Dường như sự hiếu khách đã trở thành một nét văn hoá của người Việt tại Czech, khiến tôi thấy ấm lòng khi đi du lịch nơi đây. (Đào Phi Cường, Pháp)
Cuộc sống thật êm đềm trên cây cầu Praha hay còn gọi là cầu Charles. Những bước tượng tôn giáo như mở lòng đón nhận tất cả các tín ngưỡng trên thế giới. Dừng lại ngắm dòng sông rộng, ngắm những con tàu chở du khách bồng bềnh trong nắng hoàng hôn. Tiếng đàn của các nghệ sĩ đường phố, chơi mải miết như chưa biết buồn chán.
Dưới chân một bước tượng những thiên thần là một kẻ hành khất xin tiền. Những người hành khất ở trên cây cầu cổ nhất Czech không van xin thảm thiết. Họ ngồi quỳ gối, che mặt, ngả mũ bên cạnh một túi hành trang cá nhân. Tuỳ tâm người vãng lai.
Ghé chân vào một siêu thị mini với cái tên rất dễ đọc ở mọi góc phố: Potraviny. Đúng là cửa hàng bách hóa, đủ các loại đồ uống, rượu, bia, thuốc lá, đồ ăn khô, đông lạnh, báo chí, đồ dùng, đồ trang trí nhà cửa và cả hoa, cây cảnh. Nghe tiếng bà chủ quán nói tiếng Việt, tôi quên cả chào chị mà hỏi luôn:
- Chị là người Việt à?
Có thể hơn hai chục năm xa xứ đã tạo cái tính tò mò mà tiềm thức "gặp được người quen" mỗi khi nghe tiếng mẹ đẻ ở nước ngoài.
- Ừ, em nói được tiếng Việt không?
- Tôi là người Việt Nam mà.
- Ôi vậy à, vào đây, vào đây!
Chị chủ cửa hàng nói con trai cùng làm ở tiệm đi pha cà phê mời chúng tôi.
- Chị là Phượng. Hoa phượng nở đẹp lắm. Đang mùa hoa phượng ở nhà đấy!
Chị cố giữ chân bạn du lịch cùng tôi và tôi mặc dù cửa hàng luôn có khách vào ra.
Chị nói tiếng Czech nghe hay lắm. Đặc biệt khuôn mặt chị không một phút thiếu nụ cười với mọi đối tượng khách.
- Chị nói tiếng Czech hay quá!
Chị phá lên cười như một cô gái tuổi hai mươi, hồn nhiên hết cỡ.
- Chị chỉ nói thế thôi, bồi đấy. Chị đâu biết viết! Mà mình bán hàng thế này cũng chỉ cần học nói! Bọn trẻ học chữ nhanh, mình già rồi, có học cũng không vào.
- Chị bao nhiêu tuổi mà kêu già? (Trời, sao tôi vô duyên vậy, ai lại hỏi tuổi phụ nữ? Kệ chứ, ở Việt Nam vẫn thế mà!)
- Chị tuổi Dê!
- Em tuổi Thân. Mậu Thân.
Chúng tôi chợt nhận ra là chị chỉ "già" hơn tôi mấy tháng.
Chị chìa cả đôi bàn tay và nắm tay tôi để so sánh.
- Thấy không, tay dân lao động trông khác không? Tay chị xấu lắm!
Cái hồn nhiên toát ra từ ánh mắt, khuôn mặt, cái nắm tay, cái kiểu cầm điếu thuốc lá của chị làm tôi xiêu lòng. Chị mời chúng tôi ăn bánh, hút thuốc.
Sau gần một tiếng nói chuyện, chúng tôi mua vài đồ uống. Chị đã giảm giá cho chúng tôi và đã nhanh tay bỏ vào túi hàng một chai rượu vang nổ.
- Chị tặng bọn em về khách sạn uống cho vui! Trưa mai, lại ra chuyện tiếp nhé!
Chị ôm chầm chúng tôi tạm biệt như đã thân thiện từ lâu. Đâu đã bước chân đi được. Chị đã hỏi tiếp chúng tôi sẽ đi tham quan ở đâu và chỉ dẫn chu đáo các bến tàu điện, xem gì, làm gì...
- Gọi nhau là bạn đi, cho số điện thoại, lần sau đến, nhớ tụ tập đấy!
Tôi vẫn ngỡ cuộc gặp gỡ vừa rồi chỉ có trong tiểu thuyết.
- À qua chợ Sapa chưa? Qua đấy, nhớ ghé phở Tùng! Cần taxi thì để tớ gọi!
Mặc dù đã được Phượng ghi địa chỉ chợ mà chúng tôi vẫn đi lạc quá 17 km. Chợ rộng bạt ngàn. Tôi thật sự bất ngờ vì sự "thuần Việt" ở đây. Trung tâm thương mại được quy hoạch với các khu hàng đặc chủng khác nhau. Các gian hàng bán đồ ăn: rau, hoa quả tươi, đông lạnh; các hàng quán: phở, bánh mỳ kẹp thịt, bánh cuốn, bún chả, đậu phụ, mắm tôm, đồ trang trí nội thất hàng điện tử, các văn phòng dịch vụ: dịch thuật, tư vấn, đại lý vé máy bay... Ngay góc chợ có cả một ngôi chùa cho những người theo tín ngưỡng.
Mấy giờ dạo quanh các cửa hàng, tôi chỉ gặp toàn người Việt, nghe tiếng Việt. Hiếm hoi lắm mới gặp một vài "du khách" người Czech. Tôi tự hỏi chợ Sapa chỉ dành cho những người Việt định cư tại Praha?
Lang thang trên phố cổ Praha, tôi cứ mải miết bấm máy để lưu lại những đường nét kiểu Gothic được con người tôn trọng và bảo tồn đến ngày nay.
- Chào chú! Chú có phải là cậu của Mai?
- Ừ?
- Mai Toàn ở Paris ạ!
- Ừ đúng! Sao em lại biết tôi?
- Cháu là người nhà của chồng chị Mai.
Lần đầu tiên trong đời tôi chạm chân lên đường phố Praha mà lại có người nhận ra và biết cả tên cha sinh mẹ đẻ của mình.
- Cháu nhận ra chú vì đã xem ảnh chú trên Facebook. Nhà cháu có quán ăn ngay gần quảng trường Con ngựa, mời chú ghé qua ăn.
Một lời mời chân thành mà tôi đã không có dịp đáp lại.
Dừng chân tại thành phố nhỏ Kutná Hora, cách thủ đô Praha khoảng 60 km. Một thành phố nhỏ chỉ có khoảng 20 nghìn dân, nổi tiếng bởi các mỏ bạc và các công trình nổi tiếng được xây dựng từ thế kỷ XIV và nằm trong danh sách của các di sản thế giới (UNESCO) như nhà thờ Saint-Barbe (1388), nhà thờ Sedlec (1280).
Làm sao quên được sự tiếp đón nhiệt tình của vợ chồng cô bạn cùng làng mà hơn hai chục năm chúng tôi chưa gặp nhau. Họ cũng là chủ một Potraviny tại thành phố Slaný khoảng 15 nghìn dân, cách thủ đô Praha trên 30km. Một thành phố cũng nặng những công trình lịch sử: Toà nhà thành phố (1378), Nhà thờ Trinite (1581).
Cửa Potraviny mở rộng. Vừa đỗ xe, tôi đã nhận ra ngay bạn cũ học cùng trường từ vỡ lòng đến hết phổ thông trung học.
- Vào đi, vào đi! Vào thăm cửa hàng rồi sang nhà chơi.
Gia đình bạn cứ níu chân chúng tôi ở lại dùng bữa cơm gặp mặt. Hơn hai chục năm chưa gặp lại nhau mà cứ ngỡ tình bạn vẫn như ngày nào. Dùng cà phê, hút thuốc, ăn hoa quả, uống rượu và hàn huyên cả tiếng. Cốc rượu như không kịp cạn.
- Đã có tài xế, lo gì.
Ôn nghèo, kể khổ, mọi kỷ niệm vui nhiều hơn buồn của cái thời học trò cứ đổ về không theo trật tự thời gian.
- Thế các bạn có định quay về Việt Nam không? Tôi hỏi.
Hình như cái mong mỏi một ngày nào đó về sinh sống ở quê nhà vẫn ám ảnh tôi những năm gần đây.
- Ở đâu quen đấy bạn ạ.
Vài giây lặng yên. Ta vừa chạm vào cái ký ức rất riêng của người xa xứ. Làm sao có thể đưa ra những lý do chung tại sao con người quyết định xa Tổ quốc, tại sao nhiều Việt kiều muốn trở về quê hương.
Tạm biệt các bạn, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá. Tôi ghi nhận câu trách nhẹ nhàng mà đầy tình nghĩa của bạn.
- Lần sau đến Praha mà không ở lại ăn cơm với bọn tớ thì đừng báo là đến Praha nhé!
Các bạn đã chuẩn bị mấy túi quà: rượu, bia, thuốc, chocolate, bánh kẹo Czech.
- Ở đây chỉ toàn đồ đấy thôi!
Muốn ôm bạn để chào tạm biệt theo kiểu dân Paris nhưng lại chỉ bắt tay để rồi trên xe tôi tự hỏi sao ta vẫn thuần Việt của ngày xưa vậy.
Quen lắm với cái tên Potraviny, qua các thành phố lớn nhỏ của Czech, tôi cũng ghé vào các cửa hàng và tự quả quyết là chủ tiệm sẽ là người Việt Nam.
- Xin chào. Bán hàng được không anh, chị?
Dường như, hiếu khách đã trở thành một nét văn hoá của người Việt tại Czech.
Sau những cuộc chuyện trò vui vẻ, những người đồng hương xa xứ lại mời tôi cốc cà phê, hút điếu thuốc, lấy một thanh chocolate làm quà. Vui lắm! Có thể ta chưa cảm nhận cái nỗi buồn có thể man mác, có thể sâu nặng của những người xa xứ. Nỗi buồn của những người xa quê, xa gia đình, bạn bè.
Ôi Potraviny và những người Việt Nam đáng yêu mà ta đã gặp! Hẹn gặp lại ở những chuyến du lịch trong tương lai.
Đào Phi Cường
https://ift.tt/2z2xbKZ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét