Vấn đề đáng lo ngại nhất của Thụy Điển, cũng có thể là của nhiều nước Bắc Âu, chính là việc một cuộc sống ‘quá sướng’, được Chính phủ chăm lo hết sức, đã làm người ta mất đi tính cạnh tranh, nỗ lực để khác biệt và vươn lên.
Hãy thử xem một ví dụ về vòng đời của một con người tại những xứ thiên đường này: Sinh ra, Chính phủ sẽ nuôi bạn ăn và học đến 18 tuổi. Ra trường Đại học, nếu không tìm được việc làm thì Chính phủ sẽ hỗ trợ bạn tìm việc làm, hoặc là chi trả mức trợ cấp thất nghiệp chẳng hề nhỏ. Đi làm, Chính phủ sẽ cho phép bạn chỉ làm 6 tiếng thay vì 8 tiếng mỗi ngày. Về hưu, Chính phủ sẽ nuôi bạn bằng mức lương hưu cao hàng đầu thế giới. Nói chung, nhiều quan niệm cho rằng đây chính là những cuộc sống hạnh phúc nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, sự thật là những thứ gì tốt nhất thì vẫn tồn tại những điều chưa hoàn hảo. Mới đây, trên trang hỏi đáp nổi tiếng thế giới Quora, người dùng Abhineet Tomar đã đặt một câu hỏi cho cả cộng đồng rằng: “Đâu là mặt tối của Thụy Điển”. Và người trả lời chính là Fredrik Josefsson - một công dân Thụy Điển chính gốc.
Theo anh, một cuộc sống chẳng hề có thử thách, một xã hội giống như cào bằng và không có nhiều điều để phấn đấu như vậy dần dà tạo nên những con người có ít sự phá cách và chỉ biết sống trong khuôn phép: “Họ rất lo lắng khi làm hay nói một thứ gì đó sai trái. Đây là một văn hóa truyền thống và vẫn còn cho đến ngày nay. Có rất nhiều thứ mà nếu nói ra thì ngay lập tức sẽ khiến bạn bị loại ra khỏi mọi nhóm trong xã hội”.
Dưới đây, là bài lược dịch lại những điều mà Fredrik Josefsson chia sẻ trên Quora:
“Đâu là mặt tối của đất nước Thụy Điển?
Đó chính là nỗi cô đơn.
Chúng tôi không nói chuyện phiếm. Chúng tôi thích im lặng hơn. Tôi không quen biết bất kì người hàng xóm nào và tôi cũng hiếm có người bạn nào tại chung cư trước kia tôi ở, ngoại trừ một vài người hàng xóm là người nước ngoài hoặc là người bản xứ nhưng đến chỉ để nhậu nhẹt.
Đi nhậu nhẹt từng là 'tấm vé miễn phí’ đưa chúng tôi đến những nơi có thể giao tiếp với xã hội. Nhưng tiếc là người trẻ bây giờ không đi uống nhiều lắm vì hầu như họ chỉ ngồi trước màn hình máy tính trong toàn bộ khoảng thời gian.
Tôi từng đọc một câu trả lời trên Quora của một người ngoại quốc đã trải qua 2 tháng cuối cùng của cuộc đời tại Thụy Điển, người duy nhất mà anh nói chuyện cùng là vợ anh ấy. Và tôi cũng có trải nghiệm tương tự: Bạn có thể rất dễ dàng gặp cảnh sống 1 tháng trời mà không nói chuyện với bất kì ai, trừ lúc bạn nói "Xin chào” khi đến cửa hàng tạp hóa hay khi thanh toán, nói “Cảm ơn” khi bạn nhận tiền trả lại. Hoặc là nói “Không cần đâu” khi được hỏi có cần hóa đơn mang về không.
Thực ra bạn được nói “Không cần đâu” chỉ vì tại Thụy Điển, có một luật rằng mọi cửa hàng phải hỏi bất cứ vị khách nào tại bất cứ thời điểm nào rằng liệu họ có cần hóa đơn không (tất nhiên, bạn có thể nói “Có” nếu bạn muốn hóa đơn). Nếu không có luật này, bạn có lẽ chỉ cần biết “Xin chào” và “Cảm ơn” là đủ.
Mọi người không kết bạn với nhau. Mọi người không cần bạn bè vì đa số mọi người mong đợi Chính phủ sẽ lo cho họ khi họ cần giúp đỡ. Thậm chí phụ huynh sẽ nói với những đứa con trưởng thành của mình rằng hãy yêu cầu lên Chính phủ nếu như không có đủ tiền để trả tiền thuê nhà.
Có một lí do cho sự cô đơn đó là người dân Thụy Điển rất lo lắng khi làm một thứ gì đó sai trái hay nói một thứ gì đó sai trái. Đây là một văn hóa truyền thống và cho đến ngày hôm nay vẫn còn tồn tại. Có rất nhiều thứ mà một người nếu nói ra thì anh ấy sẽ ngay lập tức bị loại ra khỏi bất kỳ nhóm xã hội nào.
Nhiều cuộc trò truyện giữa những người thuộc tầng lớp trung lưu học sẽ chỉ như những cuộc trò chuyện 'cho có’ như là đang nói chuyện với nhau. Lý do là vì người Thụy Điển rất sợ xung đột và nói về những điều nhạy cảm.
Vì thế, những chủ đề được nói đến đều bị giới hạn trong những thứ mà ai cũng biết, và tất nhiên chúng biến những cuộc trò chuyện thành những màn hội thoại thật tẻ nhạt, kiểu như “Chúng ta nên cảm thấy thương cảm đối với người nghèo”. Thực tế tôi không đồng tình với những thứ này nhưng vẫn phải giữ im lặng. Ở Thụy Điển, phản đối sự nhất trí chung sẽ khiển mọi người thất vọng, thậm chí là khiến họ cảm thấy bị lăng mạ.
Lưu ý rằng không ai trong số những người này sẽ hỗ trợ bạn hoặc giúp đỡ bạn khi bạn cần họ. Mối quan hệ của bạn với họ chỉ đến ở khoảnh khắc bạn sợ bị xấu hổ bởi người khác hoặc bị xã hội ruồng bỏ, chứ không phải khi cần sự giúp đỡ từ nhau. Người ta nghĩ rằng vì bạn không giúp đỡ họ, họ cũng chẳng thấy bất cứ lí do nào để giúp lại bạn.
Sau một khoảng thời gian bạn sẽ tự hỏi bản thân liệu bạn có phải là kẻ bị điên không, hay mọi người mới là kẻ bị điên. Sau đó bạn sẽ bước một bước lùi và bắt đầu dừng giao tiếp xã hội bởi vì dẫu sao đi nữa thì nó thật là vô vị. Và như thế, hầu hết mùa thu và mùa đông của bạn sẽ đều mang một sắc tối… rất tối.
Vậy mọi người gặp gỡ như thế nào? Hầu hết là hẹn hò qua mạng. Hẹn hò bề ngoài là nơi mà người ta có thể thỏa mãn nhu cầu sinh lý và tìm đến niềm vui ngắn trong một chốc lát. Đây cũng là lý do vì sao bạn thấy người Thụy Điển lại đam mê tập gym và trông cơ thể thật tuyệt vời: nếu không đi tập gym thì họ sẽ mắc kẹt trong những căn chung cư chật chội và hiu quạnh.
Thứ cô đơn quái đản này có lẽ là lí do tại sao những nhà chính trị ở Thụy Điển quyết định rằng chúng tôi cần một nền văn hóa đa màu sắc hơn. Họ mở rộng biên giới cho những đợt nhập cư có quy mô lớn.
Chỉnh sửa: Ở phần bình luận, có những người nói rằng họ đã từng ghé thăm nước tôi và nhận thấy người dân ở đây nói rất nhiều và rất thân thiện. Sự thật đúng là vậy - Người Thụy Điển rất cởi mở và thân thiện đối với người lạ như bạn, bởi vì chúng tôi không phải lo lắng về những cam kết về một mối quan hệ cụ thể với bạn. Bạn đến và sẽ rời khỏi đất nước này trong ngắn ngày.
Còn câu trả lời của tôi là 'Sống tại Thụy Điển’, chứ không phải chỉ đơn giản là ghé thăm".
from Tumblr https://lamthexanh.tumblr.com/post/179679984684
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét