Tết cổ truyền ở Hàn Quốc không chỉ là khoảng thời gian tưởng nhớ và tỏ lòng kính trọng với tổ tiên, mà còn là lúc mọi người đoàn tụ cùng gia đình.
Tuy là nước công nghiệp phát triển mạnh và ảnh hưởng nhiều từ đời sống hiện đại hóa phương Tây, Hàn Quốc đến nay vẫn lưu giữ được không ít nét đẹp Á Đông. Một trong số đó chính là văn hóa đón Tết cổ truyền.
Tết cổ truyền của xứ sở kim chi được tính từ thời khắc giao thừa của năm cũ âm lịch và thường kéo dài trong 3 ngày: 30 Tết, mùng 1 và mùng 2.
Giống như tại Việt Nam, giới trẻ Hàn Quốc rất coi trọng ngày Tết cổ truyền, bởi mọi người đều hiểu rõ giá trị của những ngày nghỉ sau một năm làm việc và học tập căng thẳng.
Song quan trọng hơn tất cả, đây còn là khoảng thời gian để thế hệ trẻ có cơ hội tri ân với tổ tiên và bày tỏ lòng hiếu thảo tới các bậc sinh thành.
Seollal – ngày Tết cổ truyền của người Hàn Quốc – là dịp để tri ân tổ tiên và bày tỏ lòng hiếu thảo. Ảnh: Hanyouwang.
Không đau đầu vì dọn dẹp, không chen lấn đêm 30
Một tuần trước khi diễn ra Seollal là lúc mọi người, mọi nhà gác lại công việc thường ngày để chuẩn bị đón Tết, mua sắm tích trữ thực phẩm và các đồ dùng mới trong nhà. Bởi trong và sau Tết, các hoạt động mua bán sẽ ngừng lại.
Đa số bạn trẻ đều hối hả lựa chọn những món quà năm mới ý nghĩa nhất có thể mang về tặng gia đình, bạn bè. Phần quà tặng này phụ thuộc vào tình hình kinh tế và xu hướng năm đó. Thông thường, sâm, mật ong, các sản phẩm về sức khỏe, phiếu mát-xa… sẽ là các quà tặng phổ biến nhất.
Sau khi hoàn thành chuyến đi trở về gia đình, con cháu trong nhà sẽ cùng mọi người tập trung dọn dẹp nhà cửa. Vì vốn theo lối sống hiện đại với những tiện nghi đơn giản nhưng hữu dụng nên đồ đạc trong gia đình người Hàn không khiến các bạn trẻ “khóc thét” khi phải lau chùi mỗi dịp cuối năm như ở Việt Nam.
Chuẩn bị mâm cơm cúng và đồ ăn ngày Tết chiếm nhiều thời gian của người Hàn. Ảnh: Sunburstkorea.
Dù vậy, rất có thể nhiều thành viên trẻ tuổi sẽ cảm thấy vất vả khi chuẩn bị mâm cỗ cúng đêm 30 bởi mâm cúng của Hàn Quốc khá cầu kỳ với hơn 20 món đặc trưng như rau rừng, các loại bánh, cá, sườn hầm galbijjim, mỳ thịt rau japchae…
Trước đêm giao thừa, các bạn trẻ sẽ phải tắm bằng nước nóng để tẩy trần trước khi qua năm mới và cùng mọi người đốt các thanh tre trong nhà để xua đuổi tà ma. Họ cũng không được ngủ trong đêm 30 bởi theo truyền thuyết, nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy.
Tuy cũng tổ chức bắn pháo hoa tại một số địa điểm công cộng, người trẻ xứ sở kim chi ít khi đổ ra đường đông nghịt để đón năm mới như giới trẻ Việt Nam. Hầu hết mọi người đều quan niệm ở cạnh gia đình và chỉ có một số ít đôi cùng nhau đón giao thừa tại nơi công cộng.
Thời gian dành trọn cho gia đình
Không xúng xính quá nhiều váy áo lộng lẫy, tất cả thành viên trong gia đình Hàn Quốc đều mặc trang phục hanbok truyền thống với màu sắc tươi mới vào ngày Tết để sinh hoạt chung hoặc tới thăm các gia đình người lớn tuổi trong khu.
Vì là khoảng thời gian tri ân tổ tiên và người lớn tuổi nên người Hàn có 2 nghi thức chính trong Tết cổ truyền là Charye (lễ thờ cúng tổ tiên) và Sebae (lễ cúi đầu chào).
Trong lễ Charye, người trẻ sẽ cùng gia đình dâng lên bàn thờ mâm cơm cúng cầu kỳ, bắt mắt và cùng cầu nguyện tổ tiên bình an, khỏe mạnh. Sau khi cúng xong, cả gia đình sẽ cùng nhau thụ lộc, thưởng thức đồ ăn.
Lễ Sebae sẽ diễn ra khi bữa ăn kết thúc và là thời điểm thế hệ trẻ cúi người chúc sức khỏe, đồng thời tặng quà năm mới thể hiện sự kính trọng với người lớn tuổi. Trẻ em sau khi hoàn thành lễ Sebae sẽ được người lớn răn dạy và thưởng một khoản tiền may mắn.
Trong những ngày còn lại của Tết cổ truyền, người trẻ sẽ cùng gia đình chơi trò chơi dân gian, quây quần trò chuyện, đi chúc Tết hàng xóm, người thân, đi thăm mộ Tổ tiên và du xuân đến những nơi danh lam thắng cảnh hoặc thăm các vườn hoa, cây cảnh, viếng chùa ngày xuân.
Nhiều hoạt động vui chơi giải trí tại các điểm du lịch ngày Tết thu hút rất nhiều người trẻ tham gia. Ảnh: Timeout.
Trẻ em Hàn Quốc rất thích lễ Seollal vì có thể thoải mái tham gia các trò chơi cổ truyền như kéo co, thả diều, bập bênh, yut-nori (đánh đáo) và ném cung tên.
Nhiều hoạt động vui chơi giải trí ngày Tết như biểu diễn Sebae, ăn canh bánh gạo tteokguk và chơi các trò chơi dân gian truyền thống cũng được tổ chức liên tục tại các điểm du lịch hoặc cung điện hoàng gia để phục vụ người dân cũng như du khách nước ngoài.
Nguồn: Zing
http://bit.ly/2MNUKOd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét