Chồng không được đi nhậu quá 2 lần/tuần, nếu ly dị phải bồi thường cho vợ một triệu yên… được ghi rõ trong hợp đồng của một đôi sắp cưới.
Cách hành xử khá phổ biến ở nhiều nước phương Tây đang hiện diện tại Nhật, khi ngày càng nhiều người muốn lập hợp đồng trước khi cưới để bảo vệ bản thân lỡ hôn nhân có kết cục bi đát.
Tại Nhật, việc chưa cưới đã chính thức nói tới những điều cần làm hay không trong hôn nhân hoặc cách phân chia tài sản khi ly hôn vốn vẫn bị coi là điều cấm kỵ và “điềm gở”. Nhưng với tình trạng có tới 200.000 vụ ly dị xảy ra mỗi năm, các đôi ở Nhật ngày càng có sự phòng ngừa những gì họ còn nghi ngại ở “nửa kia” và đảm bảo các giá trị cho bản thân trước khi dấn thân chung sống.
Ca sĩ nhạc pop người Nhật, Silva, 43 tuổi, đã thực hiện hợp đồng trước khi kết hôn với chồng hiện tại, bằng văn bản được công chứng năm 2015. Hợp đồng liệt kê 34 điều khoản, bao gồm việc Silva yêu cầu chồng không đi nhậu quá 2 lần mỗi tuần. Ngoài ra, hai người cần luôn ở bên nhau vào các dịp kỷ niệm và trong trường hợp ly hôn, Silva sẽ được bồi thường một triệu yen (210 triệu đồng). Cả Silva và chồng chị đều từng ly hôn một lần trước đây.
“Bởi mọi thứ không rõ ràng từ đầu (trong cuộc hôn nhân trước của tôi), trong quá trình ly hôn, chúng tôi đã cãi nhau liên miên”, Silva kể. “Vì thế khi định tái hôn, tôi quyết tâm không để mọi việc xảy ra như vậy”.
Nhiều đôi Nhật Bản quyết định lập hôn đồng trước hôn nhân trước khi cưới để an tâm hơn về mối quan hệ. Ảnh: Kyodo News
Nhiều đôi Nhật Bản quyết định lập hôn đồng trước hôn nhân trước khi cưới để an tâm hơn về mối quan hệ. Ảnh: Kyodo News
Ý định nhờ tư vấn pháp luật trước khi cưới lại của Silva bắt nguồn từ thời gian chị sống tại Mỹ 10 năm trước. Trong 3 năm ở đó, chị thấy nhiều người đã chuẩn bị trước và điều này giúp họ xây dựng mối quan hệ an toàn như thế nào.
Silva nói rằng khi lần đầu chị đề cập vấn đề này với bạn trai, anh đã lùi bước. Mất tới 18 tháng thuyết phục, hợp đồng trước hôn nhân mới được ký. Văn bản này bao quát nhiều vấn đề, bao gồm công việc, sự chia sẻ việc nhà, chăm con cũng như các quy tắc cấm ngoại tình và vay nợ. Nó cũng vạch ra cả quyền nuôi con và khoản trợ cấp nếu chia tay. Thậm chí, có cả những yêu cầu cụ thể, như cả hai trò chuyện với nhau hằng ngày khi đi làm về và lập tức phải trả lời mọi tin nhắn. Vì chị Silva và chồng đều đi làm nên hợp đồng cũng nêu rõ việc chăm sóc cha mẹ chồng/vợ sẽ được thực hiện một cách tự nguyện chứ không bắt buộc.
“Bạn sẽ phải rất bạo gan mới dám phá vỡ hợp đồng này”, chị Silva vừa nói vừa cười to. “Chúng tôi cùng nhau soạn ra nên không có tranh cãi về các điều khoản trong đó. Cả hai cùng có trách nhiệm và phải dành sự tôn trọng cho nhau”.
Yuriko Tada, thành viên ban điều hành và công chứng công Prenup Kyokai cho biết, bà đã thực hiện hợp đồng trước hôn nhân cho 70 đôi từ năm 2014 tới nay. Theo bà, ngày càng tăng số người làm hợp đồng này, chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi 20 tới 40.
Nhiều chị em lo ngại về sự không chung thuỷ của “nửa kia” hoặc các vấn đề nợ nần, trong khi đàn ông tìm tới dịch vụ này thường muốn bảo vệ tài sản họ đã tích luỹ được.
Theo Kyodo News, một phụ nữ nội trợ ở độ tuổi 30 tại Tokyo đã lập hợp đồng hôn nhân vài năm trước sau khi tư vấn với bà Tada về các vấn đề tài chính của chồng sắp cưới. “Tôi không chắc liệu anh ấy có thay đổi sau khi ký hợp đồng này không nhưng nó cho tôi cảm giác an tâm hơn là chẳng chuẩn bị gì trước”, chị nói.
Bà Tada cho biết, trong một số trường hợp, sau khi soạn thoả thuận, đôi nam nữ có thể nhận ra họ không nên cưới nhau vì có quá nhiều khác biệt về giá trị sống. Nhà tư vấn cho rằng hợp đồng rất hữu ích cho hôn nhân.
“Bằng cách đối diện với thực tế của đời sống hôn nhân, họ có thể tạo ra một mối quan hệ tốt đẹp hơn khi chính thức trở thành vợ chồng”, bà nói.
https://ift.tt/2trj8Mw
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét