Hai tám Tết, nhìn bạn bè đăng những bức ảnh quây quần bên gia đình, những nụ cười xum họp, đầm ấm, tôi lại thấy có chút chạnh lòng. Đây là cái Tết đầu tiên của tôi trên đất khách, từ nhỏ tới lớn, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến cái chuyện tha phương, nhưng vì cuộc sống, vì mưu sinh, tôi phải đi, gác lại những thứ còn đang dang dở nơi quê nhà, tôi đến bán sức, bán tuổi thanh xuân của mình ở nơi xứ người.
Một năm, hai năm, ba năm, chẳng ai trả lời được khi nào sẽ trở về, cuộc sống tha phương chân lấm tay bùn, kẻ thành danh chẳng thấy là bao, người tay trắng thì nhiều vô kể. Cái kiếp đi tây cứ nghĩ là sang, nhưng thực chất lắm điều buồn bã mà có lẽ chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu được. Ấy là những đêm đông lạnh lẽo lang thang chờ tàu điện, trong túi chẳng có lấy một xu, thân thể rời rạc như kẻ mất hồn. Ấy là những ngày quay quắt ngược xuôi trong gian bếp tiệm đồ, đôi bàn tay sưng rộp tấy đỏ vì chưa quen với đảo chảo. Rồi có lúc tinh thần suy sụp cực độ, nhưng xung quanh chẳng lấy một người bạn để san sẻ buồn vui. Cuộc sống quanh đi quẩn lại, những vòng tuần hoàn không hồi kết, cái sự đơn độc vô tình trở thành tri kỉ với kẻ tha phương.
Nhớ lắm, nhớ cái bữa cơm gia đình đạm bạc nhưng vui vẻ, những cuộc điện thoại vội giữa hai nửa bán cầu, chẳng dám than phiền với mẹ vì sự buồn tủi. Du học sinh, tu nghiệp sinh, thậm chí là những lao động phổ thông, có những người khi sang đến đất khách mới biết được sự trân quý của tình cảm gia đình. Những cậu con trai ngang bướng chẳng nghe lời mẹ, khi xa cách rồi mới thèm được nghe câu than phiền, trách móc của mẹ là bao. Những cô con gái mấy bận hờn dỗi mẹ cha vì thứ tình cảm đôi lứa, xa quê rồi mới biết lòng cha mẹ. Nhiều người con nhìn mẹ già tóc bạc, nửa cuộc đời tần tảo vì nuôi con, nhưng tha phương đâu biết ngày trở lại, khóc trong lòng mà nào có ai hay.
Tôi đã chứng kiến, đã từng gặp những người hằng mười năm, hai mươi năm, thậm chí là ba bốn mươi năm làm việc nơi đất khách, họ dành dụm từng đồng bạc, tằn tiện từng bữa ăn, tất cả cũng chỉ mong muốn có được đồng tiền để tương lai bớt đi phần khổ nhọc. Nhiều người vì mải mê công việc, khi nhìn lại phía sau, họ đã chẳng còn cha mẹ để mà báo đáp hiếu nghĩa. Có anh chàng nọ một vợ hai con, gia cảnh ở quê khó khăn, chạy vạy vay mượn để đi lao động trời tây, hy vọng sau này đổi đời, những bữa cơm không thịt, không rau, tiền bạc kiếm được bao nhiêu cũng chỉ lo gửi về nhà, quanh năm suốt tháng làm việc trong tiệm tây, nhiều khi nghĩ bảo mua lấy chai rượu, hút lấy điếu thuốc cho đỡ thèm, nhưng bản thân anh chẳng dám, cố tiết kiệm, tích cóp được bao nhiêu, thì vợ con anh ở nhà lại bớt khổ bấy nhiêu.
Nhiều du học sinh khi bước sang nước ngoài mới nhận thấy bản thân đã sai lầm khi chọn lựa, nhưng họ không dám ngoảnh đầu lại, chỉ đơn giản là vì sợ, sợ cái áp lực, cái tai tiếng của xã hội, của những người nói rằng bản thân họ không có ý chí, không có lòng quyết tâm. Nhưng cũng chính vì thế, họ đánh mất đi niềm vui trong cuộc sống, ngày ngày chỉ tồn tại vô thức nơi xứ người, không định hướng, không mục đích, tâm lý khốn đốn vô cùng.
Rồi khi ngày Tết cận kề bên cửa, những người con xa xứ vẫn chỉ biết nén nhịn nỗi nhớ thương, họ nhìn cha mẹ qua chiếc màn hình điện thoại, có những người nước mắt trực trào hai hàng lệ, có những người vì thế mà cứng cáp, mà rắn rỏi hơn với cuộc đời. Mỗi con người khi sinh ra, đều được ông trời an bài cho một hoàn cảnh, một cách sống riêng biệt, nhưng thử hỏi, có ai là không thương mẹ, có ai là không nhớ cha, có ai là không muốn trở về sum họp bên gia đình, bên những cành đào hồng nhạt đang nở rộ, bên những nồi bánh chưng mẹ gói thơm vị lúa nếp…
Tha phương là sự đánh đổi, đánh đổi tuổi trẻ, máu, nước mắt, tình cảm và đời sống cá nhân. Có những người thành công vang dội, có người tay trắng chẳng dám quay đầu. Nếu còn cơ hội, còn khả năng, hãy chọn cho bản thân mình một nơi phù hợp nhất, thoải mái nhất, Việt Nam hay nước ngoài, cái đấy vốn không quan trọng, quan trọng là con người mình trưởng thành như thế nào, ở đâu, và khi ngã ngũ, ta chọn nơi nào để cất hai tiếng gia đình.
Mẹ ơi hoa đào đã nở rộ
Nhà cửa dọn dẹp đã xong xuôi
Xuân này mẹ già thêm một tuổi
Nhớ mẹ đêm nay viết mấy dòng
Pháo đỏ, bánh chưng, chờ năm mới
Lam lũ vất vả để lại sau
Mẹ à, chí hướng con bốn biển
Nhưng mà chữ hiếu chỉ mẹ cha.
nguồn: Ngoc Quang Nguyen
http://bit.ly/2XcYg9A
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét