Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

Bảy nước châu Âu bắt đầu thử nghiệm lâm sàng bốn phương pháp điều trị Covid-19

Bộ Y tế Pháp cho biết, từ ngày 22-3, bảy nước châu Âu đã bắt đầu một thử nghiệm lâm sàng với bốn phương pháp điều trị chống virus SARS-CoV-2 đối với 3.200 bệnh nhân.

 

 

Phương pháp điều trị thử nghiệm này được tiến hành ở Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Anh, Đức, Tây Ban Nha và riêng Pháp được thực hiện với 800 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Thống kê tại Pháp tính tới tối 22-3 cho thấy số người qua đời tiếp tục tăng, có thêm 112 trường hợp qua đời và 1.559 ca nhiễm mới được phát hiện. Tổng số ca nhiễm và qua đời ở Pháp đã lên tới 16.018 và 674. Có 2.200 người đã được chữa khỏi bệnh.

Số ca bệnh Covid-19 ở vùng thủ đô Île-de-France đã tăng 1.465 ca trong hai ngày qua. (Nguồn: Bộ Y tế Pháp)

Tổng Cục trưởng Y tế Pháp Jerome Salomon cho biết, dịch bệnh diễn biến ngày càng nghiêm trọng ở Pháp. Số qua đời tiếp tục gia tăng rất đáng lo ngại. Số người nhiễm có thể còn tăng nhiều trong những ngày tới khi tăng cường xét nghiệm.

Tối 22-3 (giờ địa phương), Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật cho phép Chính phủ thiết lập “tình trạng khẩn cấp về y tế” và ban hành thêm các biện pháp đặc biệt trong vòng hai tháng nhằm khống chế bệnh dịch.

Trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến nghiêm trọng, cả Hạ viện và Thượng viện Pháp đã làm việc liên tục trong suốt bốn ngày qua để xem xét dự luật “Tình trạng khẩn cấp về y tế” do Chính phủ soạn thảo.

Được ban hành ngay sau khi có sự điều chỉnh và nhất trí của Quốc hội, luật này là khung pháp lý cho phép Chính phủ thực hiện và ban hành thêm các biện pháp khẩn cấp ứng phó dịch bệnh. Cùng với các quy định liên quan đến tình trạng khẩn cấp về y tế và hỗ trợ kinh tế, luật còn quy định việc tổ chức vòng hai của cuộc bầu cử địa phương đã bị hoãn do bệnh dịch lây lan rộng.

Kết quả hình ảnh cho Bảy nước châu Âu bắt đầu thử nghiệm lâm sàng bốn phương pháp điều trị Covid-19

ảnh minh họa

Đối với các biện pháp đối phó tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, Chính phủ có thể ban hành các nghị định nhằm hạn chế hoặc cấm di chuyển đối với người và phương tiện giao thông trừ khi có việc khẩn cấp hay cung cấp hàng thiết yếu; thực thi các biện pháp kiểm dịch đối với những người bị nghi nhiễm bệnh hoặc đã bị nhiễm. Chính phủ cũng có thể trưng dụng tất cả hàng hóa và dịch vụ cần thiết cho cuộc chiến chống lại thảm họa dịch bệnh; thực hiện các biện pháp tạm thời để kiểm soát giá của một số sản phẩm thiết yếu và huy động thêm nhân lực để chống dịch trong vòng hai tháng.

Bất kỳ hành vi vi phạm các lệnh cấm hoặc nghĩa vụ thực hiện yêu cầu của Chính phủ sẽ bị phạt 135 euro. Nếu tái phạm trong vòng 15 ngày, mức phạt có thể tăng lên từ 1.500 đến 3.000 euro. Nếu ai vi phạm nhiều hơn ba lần trong vòng ba mươi ngày sẽ bị phạt 3.750 euro và sáu tháng tù giam.

Đối với các biện pháp khẩn cấp về kinh tế, Chính phủ có thể ban hành pháp lệnh trong vòng ba tháng để giải quyết hậu quả về kinh tế, tài chính và xã hội để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có việc hoãn thanh toán tiền thuê nhà, tiền nước, và điện.

Cũng trong ngày 22-3, Hội đồng Nhà nước không chấp thuận đề nghị của Hiệp hội bác sĩ trẻ về việc phong tỏa cả nước, nhưng yêu cầu Chính phủ xem xét lại trong vòng 48 giờ về quyền miễn trừ đối với trường hợp di chuyển vì lý do đặc biệt như khám bệnh hay tập thể dục nhằm xác định mức độ rủi ro đối với sức khỏe của cộng đồng. Đề xuất này được đưa ra khi vẫn còn rất nhiều người vi phạm lệnh hạn chế di chuyển, nhất là trong hai ngày cuối tuần. Kể từ ngày bắt đầu thực thi lệnh hạn chế di chuyển từ ngày 17-3, các lực lượng cảnh sát Pháp đã phát hiện gần 92 nghìn trường hợp vi phạm và chỉ riêng trong ngày chủ nhật vừa qua đã có tới 22.574 người bị xử lý.

Tây Ban Nha cũng tiếp tục có số người nhiễm cao thứ ba thế giới và qua đời cao thứ hai ở châu Âu và trên thế giới, tăng 30% so với một ngày trước. Tổng số người nhiễm và qua đời ở nước này là 28.603 và 1.756. Trước tình hình nghiêm trọng như vậy, tối 22-3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết, đầu tuần này Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội gia hạn lệnh phong tỏa cho đến ngày 11-4.

Số người nhiễm mới được xác nhận ở Đức là 2.448 và có thêm hai ca qua đời. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Chính phủ và chính quyền các bang đã thống nhất về việc áp dụng biện pháp cứng rắn hơn. Theo đó, Chính phủ cấm các cuộc tụ họp hơn hai người ở các nơi công cộng để tránh nguy cơ lây lan mới.

Bệnh dịch cũng tiếp tục lây lan ở các nước EU khác như Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ, Bồ Đào Nha, Áo với số nhiễm mới được phát hiện ở mỗi nước từ 69 ca đến 586. Lần đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ lần thứ hai, Thụy Sĩ đã quyết định huy động tám nghìn lính dự bị để hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19 vì đã có 7.474 ca nhiễm và 98 ca qua đời.

 

Nguồn: nhandan.com.vn

https://ift.tt/2Un0TVq

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét