Quốc hội Pháp ngày 21/3 đã thông qua dự luật phòng chống dịch COVID-19, cho phép thiết lập tình trạng y tế khẩn cấp.Theo phóng viên đưa tin tại Paris, dự luật này cho phép Chính phủ hạn chế tối đa các quyền tự do công dân, thông qua lệnh phong tỏa, giới nghiêm, trưng dụng tài sản… và có thời hạn 2 tháng, với mục đích duy nhất là chấm dứt thảm họa y tế.
Bộ Quốc phòng Pháp cho biết bệnh viện quân sự dã chiến ở thành phố Mulhouse dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu tuần tới. Bệnh viện cung cấp 30 giường, với đội ngũ y tế khoảng 100 người. Trong khi đó, Bộ Nội vụ thông báo sẽ siết chặt hơn nữa việc kiểm soát đi lại tại các ga tàu và sân bay. Hiện chỉ còn 15% số chuyến tàu cao tốc ở Pháp tiếp tục hoạt động.
Một số thành phố ở Pháp đã quyết định thiết lập lệnh giới nghiêm đối với cư dân địa phương kể từ đêm 21/3. Mọi di chuyển không được phép sẽ bị cấm từ 22h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau, thậm chí từ 20h đến 6h. Những người vi phạm phải chịu mức phạt 135 euro.
* Chính phủ Anh ngày 22/3 đã khuyến cáo 1,5 triệu người có nguy cơ cao nhất mắc COVID-19 ở nước này cần ở trong nhà trong ít nhất 12 tuần. Theo đó, những người có các bệnh lý nền như ung thư xương, ung thư máu, xơ nang, hoặc những người đã phẫu thuật ghép tạng được giới chức y tế khuyến cáo làm tất cả những gì có thể để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có cả việc ở nhà trong thời gian dài.
Nhà chức trách Anh thông báo sẽ sớm công bố một đường dây nóng chuyên trách và thu xếp việc giao hàng nhu yếu phẩm và thuốc men cho những người thuộc các nhóm dễ bị tổn thương.
* Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, Chính phủ liên bang Đức đang lên kế hoạch lập quỹ trị giá 600 tỷ euro.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, báo Handelsblatt của Đức ngày 21/3 đưa tin dự luật lập Quỹ ổn định kinh tế (WSF) dự kiến được Nội các Đức thông qua trong ngày 23/3. Phần lớn quỹ này được dành cho bảo lãnh nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động thanh khoản và hỗ trợ tái cấp vốn trên thị trường. Thời hạn của các bảo lãnh và các khoản nợ được đảm bảo không vượt quá 60 tháng. Tuy nhiên, khi họp bàn để thông qua, Nội các Đức có thể điều chỉnh mức tiền và khung thời gian cụ thể.
Trong khi đó, theo báo Bild, trong tính toán cho ngân sách bổ sung, Chính phủ Đức nhận định nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ suy giảm 5% trong năm nay do hậu quả của dịch COVID-19. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đang lên kế hoạch cho ngân sách bổ sung với khoản nợ mới là 156 tỷ euro. Theo kế hoạch tài chính của ông Scholz, Đức sẽ phải mất 20 năm bù đắp các khoản vay để ứng phó với dịch bệnh. Ngân hàng trung ương Bundesbank cũng nhận định nền kinh tế Đức khó có thể tránh được suy thoái.
* Tại Tây Ban Nha, riêng trong ngày 21/3, số ca qua đời ở nước này đã tăng 32% mức cao nhất ở châu Âu sau Italy. Đa số trường hợp qua đời là những người trên 70 – 80 tuổi. Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha tiếp tục là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Chính phủ Tây Ban Nha đã ban bố lệnh giới nghiêm đối với hơn 46 triệu người dân nước này, theo đó người dân chỉ được phép ra ngoài để thực hiện những nhiệm vụ thiết yếu, mua thực phẩm, hoặc vì lý do y tế.
Nguồn: baotintuc.vn
https://ift.tt/2WCNUlA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét