Công ty mình làm trong lãnh vực vận chuyển hàng từ Mỹ về Việt Nam, nên dĩ nhiên, gặp phải lớp khách ăn cắp thẻ rồi ship tới kho mình, nhờ bọn mình chuyển về Việt Nam, nhiều như cơm bữa. Cũng có một số người, đặt thẳng vấn đề: “Giờ tôi chuyển ông một lượng lớn gift card của Sam’s Club hay Target, ông ra store, lấy cái đó mua giùm tôi gift card khác.”
Đại loại kiểu này là rửa thẻ qua nhiều công đoạn để cơ quan chức năng không lần ra được. Phần trăm được chia lên tới 20-30%, tháng kiếm chục ngàn như chơi, dĩ nhiên bọn mình từ chối.
Nhưng bài này, chỉ bàn chính về cái vấn đề lớp khách ă n c ắp thẻ rồi ship tới kho bọn mình, và cách bọn mình thường phải đau đầu xử lý vấn đề này.
I. Luật Pháp
Đầu tiên, dịch vụ như thế của bọn mình là gì? Tại sao lại là địa chỉ nhận hàng cho người khác? Xin trả lời, vì bọn mình nhận thấy rất nhiều người có nhu cầu sử dụng dịch vụ này. Ví dụ sơ qua các trường hợp:
– Anh A ở Việt Nam, muốn mua đồ Mỹ, anh xài thẻ của anh, order tới công ty bọn mình. Bọn mình đóng lại và chuyển về tận tay cho ảnh.
– Chị B, muốn gửi quà về Việt Nam cho người nhà, nhưng chị ở bang không có tiệm shipping nào của người Việt. Chị B lên web order, ship thẳng tới bọn mình.
– Em gái C, sinh viên, mở dịch vụ order hàng Mỹ, em nhận order của nhiều người, rồi ship tới bọn mình, bọn mình lo phần còn lại.
Dĩ nhiên, đối tượng mình không muốn nhất, mà thỉnh thoảng vẫn ngoi lên, là những thằng ku D, ăn c ắp thẻ, sợ ship qua bưu điện từ website chính hãng về nhà ở Việt Nam thì bị C50 (cục an ninh mạng) sờ gáy, nên qua bọn mình.
Khi mở dịch vụ này, bọn mình có đi tư vấn luật sư bên này (huhu phí $300/ giờ mắc k inh kh ủng), và được cho biết là, đứng dưới góc độ luật pháp, bọn mình không chịu trách nhiệm gì, nếu không cố ý. Ví dụ, bạn bên Mỹ ship ma tuý qua UPS hay Fedex, bạn mới là người ra toà, chứ không phải UPS hay Fedex vì ship cho bạn.
Chữ quan trọng ở trên là “không cố ý.” Nghĩa là nếu kiện hàng ship tới có những dấu hiệu đáng nghi, mà bọn mình vẫn vì lợi nhuận ship về, thì là có tội. Luật sư đưa ra ví dụ rất hay: “mày cho thằng bạn mượn xe mày, nó đi c ướp nhà băng bằng xe đó, mày hoàn toàn vô tội; nhưng khi mày cho nó mượn, mày nhìn thấy nó cầm theo 72 khẩu s úng, 13 cái cuốc chim, 5 tờ A4 bản đồ chi tiết ngân hàng cùng vài mét dây thừng… mà mày vẫn tỉnh bơ cho nó mượn, nghĩa là mày vẫn có thể bị ph ạt, vì tội vô trách nhiệm.”
II. Bọn mình làm thế nào?
Như nói trên, cái định nghĩa theo “luật” đó là rất mơ hồ. Nhưng bọn mình có những quy định khá cụ thể như sau:
– Đối với khách lần đầu gửi hàng, yêu cầu khách cung cấp invoice, trong đó có 4 số cuối thẻ. Đồng thời khách phải chụp hình bằng lái, kèm theo thẻ ngân hàng (che đi chừa 4 số cuối) đúng như thế.
– Sau quy trình “nhận lần đầu” thế, thì dĩ nhiên, sẽ không phải mỗi lần khách gửi tới đều kiểm tra. Vì trung bình một tuần, bọn mình nhận vài trăm đến cả ngàn món hàng order của khách. Kiểm tra thế thì không thời gian nào cho xuể.
– Nhưng nếu món hàng có giá trị quá lớn, xin không nêu số ra đây, kẻo vẽ đường cho hươu chạy, thì bọn mình sẽ yêu cầu khách cung cấp lại invoice như bước 1.
Làm thế rất mất công, chi phí nhân công bên này mắc, bọn mình vốn dĩ không cần phải làm thế. Nhưng đứng ở góc độ tinh thần trách nhiệm và đạo đức, thì bọn mình vẫn chấp nhận làm.
III. Những trường hợp “thú vị”
1. Khách rất lớn từng đi bọn mình lâu rồi, đột nhiên ship tới vài trăm kiện hàng, tên trên thùng toàn là tên nước ngoài. Khách gửi mình danh sách và bảo: những tên nước ngoài này là của tôi đó. Bọn mình mới đáp: “chỉ cần trong đó chụp tôi 10 cái invoice, kèm 10 cái thẻ có 4 số cuối trùng, bọn tôi ship về hết cho anh!” Khách nài nỉ, ch ửi bới, thậm chí hăm doạ tầm vài tuần, thấy bọn mình không thay đổi quyết định, thế là lặn luôn và bỏ lại lô hàng đó. Uổng công bọn mình phải vác vài trăm kiện hàng đó ra bưu điện, UPS và Fedex trả lại.
2. Trường hợp gần đây (có kèm hình)
Bọn mình nhận được kiện hàng, mở ra thì ôi thôi, nguyên con Alienware full cấu hình max custom, giá đâu trên $2000. Người gửi tới là một nick liên hệ qua fanpage, và là nick ảo. Bọn mình nghi nên giữ lại, một mặt yêu cầu cung cấp thông tin, một mặt gọi ngay Sam’s Club (nơi mua đồ) để xác minh.
– Hình 1 là đoạn chat của Sam’s Club rep với mình, xác nhận billing address (địa chỉ chủ thẻ), là tên người Mỹ, ở Chicago.
– Hình 2 là khách đó gửi thông tin để “chứng minh”, thẻ lái xe Mỹ trùng với tên trên credit card. Chú ý là cạnh mép tấm hình và chữ ký có chữ Sample. À, có photoshop tên trên thẻ sample đó thành tên mình (Việt Nam), mâu thuẫn với Sam’s Club xác nhận.
– Hình 3 là ảnh chụp khi mình Google chữ Driver License, đúng là khách đó lên mạng search đại Driver License nào, rồi photoshop tên mình vào.
– Hình 4 còn đi xa hơn là photoshop hình ai đó cầm 2 cái thẻ sample đó, rồi bảo là: ĐÂY LÀ MẶT TAO CẦM THẺ! Mày ship về ngay cho tao không tao làm lớn!
Xui là nick đó là nick ảo FB nhưng điện thoại thật. Chẳng lẽ mình lại đi báo khách hàng mình với C50 (hay A68?). Mình chỉ nói nhỏ nhẹ là: “Chuyện này chấm dứt ở đây, máy này bọn tôi sẽ return lại cho hãng để hãng trả lại tiền người bị mất thẻ! Cô mà liên lạc lần nữa thì bọn tôi báo cơ quan chức năng ở Việt Nam đó”.
Tra địa chỉ người bị hack thẻ, thì khu đó là khu nhà nghèo, thu nhập khá thấp. Nghĩ tới cảnh một ai đó, vất vả đi làm công việc lao động chân tay, kiếm từng đồng một, để cho mấy đứa siêng ăn biếng làm ă n c ắp một phát cả vài ngàn thế, thì lại thấy bực trong người.
IV. Vĩ thanh
Mình tin vào sự công bằng của pháp luật, vì mình đã thấy nhiều trường hợp như thế này. Mình tin những đứa như nói ở trên, làm ăn ph ạm pháp sẽ có ngày sa lưới, vào t ù đền trả tội lỗi. Riêng góc độ công ty, đây cứ như một cuộc chiến, bọn nó sẽ gắng nghĩ ra ngày càng nhiều trò tinh vi để qua mắt bọn mình, khiến bọn mình lơ là mà ship về; phần bọn mình, cũng vẫn phải luôn giữ cái đầu tỉnh táo, để gắng phát hiện ra những kẽ hở như này. Đồng ý, nếu cứ giả lơ mắt nhắm mắt mở ship về, bọn mình sẽ được lợi nhuận chứ. Nhưng mở business giàu hay không là chuyện sau này, đây như là cuộc hành trình, làm sao để sau này khi ngoảnh đầu nhìn lại, mình cảm thấy khi đi hết cuộc hành trình đó, bọn mình không phải hối tiếc điều gì. Thế là được
Nguồn: Hai Nguyen – Group Save and Earn In America
https://ift.tt/3mEAj7N
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét