Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

‘Xin việc ở Úc, tôi từng bị từ chối rất nhiều lần’

Cô gái 9X đời đầu Hà Thị Khánh Vân chia sẻ những lần bị từ chối càng giúp cô thêm quyết tâm, có sự chuẩn bị tốt hơn, nhờ vậy người tuyển dụng rất ấn tượng và cô được nhận vào làm công việc tài chính tại Commonwealth Bank of Australia.

Hà Thị Khánh Vân từng giành học bổng bậc cử nhân tại đại học Macquarie - nằm trong top 10 trường đại học tại Úc và tài trợ bậc thạc sĩ tại đại học Chicago (Mỹ). Ngôi trường hiện chỉ có khoảng 2-3 sinh viên Việt Nam mỗi năm, trong đó chương trình MBA được tờ báo uy tín The Economist xếp hạng nhất về chất lượng đào tạo năm 2019, vượt qua cả trường kinh doanh Harvard (Harvard Business School).

Khi vừa tốt nghiệp cử nhân, cô được nhận vào một trong những công ty tài chính lớn nhất nước Úc, sau đó giành được vị trí quản lý tại một trong 4 hãng kiểm toán lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là gương mặt tích cực trong các hoạt động cộng đồng.

Xin việc ở Úc, tôi từng bị từ chối rất nhiều lần - Ảnh 1.

Du học: Thử thách và rèn luyện

* Vân từng nhận được học bổng tại Đại học Macquarie cho bậc cử nhân và grant (tiền tài trợ) tại Đại học Chicago cho chương trình thạc sĩ MBA. Bí quyết làm hồ sơ xin học bổng của Vân là gì?

- Có 4 yếu tố mà tôi nghĩ sẽ giúp làm nổi bật hồ sơ xin học bổng của các ứng viên. Các trường đại học tốt luôn xét hồ sơ rất khắt khe trong việc cấp học bổng, họ xem xét từng cá nhân ứng tuyển ở tất cả mọi mặt, chú trọng cả thành tích học tập và hoạt động ngoại khoá.

Thư giới thiệu từ giáo viên cũng giúp hồ sơ được đánh giá cao hơn rất nhiều. Điều này đòi hỏi các bạn phải tạo dựng mối quan hệ tốt với thầy cô từ chính những nỗ lực trong học tập, năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa, cộng đồng.

Bài luận cần phải thể hiện được bản thân ứng viên. Đừng cố gắng ép mình vào một khuôn mẫu của ai, mà hãy dành thời gian đánh giá chính mình một cách sâu sắc, cố gắng truyền tải ước mơ, nguyện vọng và điểm nổi bật của bản thân trong bài luận. Nghiên cứu kỹ về trường, thể hiện sự am hiểu và niềm yêu thích dành cho trường cũng giúp bài luận trở nên ấn tượng hơn.

Xin việc ở Úc, tôi từng bị từ chối rất nhiều lần - Ảnh 2.

* Theo bạn, việc du học sớm tạo thuận lợi gì cho các bạn trẻ trong việc học tập và tìm việc sau này?

- Du học càng sớm càng giúp phát triển khả năng ngoại ngữ, tiếp thu văn hóa nước bạn và cũng sẽ dễ thích nghi hơn. Điều này đóng góp không nhỏ vào việc bạn trẻ có thể tìm được công việc tốt, hòa nhập và làm việc trong môi trường nước ngoài.

Tôi lên đường sang xứ sở Kangaroo năm 18 tuổi, và cuộc sống một thân một mình ở xứ người đã thay đổi tôi rất nhiều.

Nếu như cuộc sống ở Việt Nam chỉ như một bản kế hoạch được vạch sẵn xoay quanh việc đi học, về nhà, cố gắng đạt điểm số cao mà không cần lo cơm áo gạo tiền, cuộc sống tại Úc đòi hỏi tôi phải tự quyết định hết mọi thứ và chịu trách nhiệm với quyết định đó, từ việc hôm nay ăn gì, tìm nhà ở đâu, chơi với bạn bè thế nào, đến những việc như chi tiêu tiền bạc sao cho hợp lý, học ngành nào cho thích hợp, định hướng tương lai là gì…

* Các bạn khởi đầu việc học ở độ tuổi khá muộn, ví dụ như đến 26, 27 tuổi mới đi nước ngoài học thạc sĩ thì làm thế nào tìm được cơ hội phát triển tốt tại môi trường mới?

- Đối với những bạn đi du học ở độ tuổi muộn, tôi nghĩ càng cần phải chủ động và mạnh dạn hơn trong việc kết bạn với người bản xứ, tích cực đọc tin tức, tham gia nhiều hoạt động xã hội để có thể hiểu được văn hóa và cách ứng xử địa phương, và nâng cao ngoại ngữ. Ngoài năng lực, các bạn còn cần thể hiện sự am hiểu văn hóa và thích nghi được với môi trường bản địa.

Hành trình của nỗ lực và đam mê

* Bạn làm thế nào để trở nên nổi bật trong môi trường làm việc tại nước ngoài, nơi có sự canh tranh gay gắt với rất nhiều gương mặt tài năng?

Tôi chủ động đề nghị sếp giao nhiều công việc hơn, ở mức độ khó dần lên, cho tôi tự thử thách bản thân. Đồng thời tôi cũng cố gắng kết bạn với đồng nghiệp, dành thời gian đi ăn trưa với họ, gặp gỡ họ sau giờ làm, vì đó không những giúp cho tôi có thêm những nguời bạn rất tốt, mà còn rút ngắn khoảng cách để tôi có thể học hỏi từ họ và được họ giúp đỡ về chuyên môn.

Xin việc ở Úc, tôi từng bị từ chối rất nhiều lần - Ảnh 3.

* Sinh viên Việt Nam vừa tốt nghiệp làm thế nào để lọt vào "mắt xanh" của các tập đoàn lớn ở môi trường quốc tế?

Để được nhận vào làm công việc tài chính tại Commonwealth Bank of Australia - công ty và ngân hàng lớn nhất tại Úc khi vẫn còn trong visa tạm trú lúc mới ra trường, tôi phải nộp đơn và bị từ chối rất nhiều lần. Mãi đến lần thứ 5 hay 6 gì đó tôi mới được gọi phỏng vấn.

Những lần bị từ chối càng làm cho tôi thêm quyết tâm, và có sự chuẩn bị tốt hơn, nhờ vậy mà người tuyển dụng rất ấn tượng và quyết định nhận tôi.

* Chồng bạn, anh Nguyễn Việt Hùng, cũng là gương mặt nổi bật, nhận được học bổng tiến sĩ từ bốn trường đại học danh tiếng nhất ở Úc. Năm 2018, Hùng là người Việt Nam duy nhất được chọn tham gia và trình bày tại Hội nghị vi sinh lớn nhất thế giới ISME17 diễn ra tại Đức nhờ công trình nghiên cứu phát hiện ra 8 loài vi khuẩn hoàn toàn mới. Bạn và Việt Hùng đã giúp đỡ hoặc học hỏi lẫn nhau để tự phát triển bản thân ra sao?

- Tôi thấy mình vô cùng may mắn khi gặp được Hùng - người bạn đời hiểu, ủng hộ, đủ giỏi để tôi có thể học hỏi, và luôn giúp đỡ tôi. Tôi và Hùng có sự đồng điệu về cách suy nghĩ, những dự định, hoài bão cá nhân, và cả các sở thích hằng ngày. Điều này không những giúp cho hôn nhân của chúng tôi 5 năm qua luôn tràn ngập màu sắc và tiếng cười, mà còn là động lực vô cùng to lớn cho nhau trong cuộc sống mỗi khi gặp khó khăn.

Sắp tới, khi Hùng đã hoàn thành xong công việc nghiên cứu ở Úc, chúng tôi hi vọng có thể cùng nhau nhân rộng kết quả nghiên cứu của Hùng để áp dụng vào thực tiễn và mang đến nhiều giá trị cho cộng đồng người Việt Nam hơn.

Xin việc ở Úc, tôi từng bị từ chối rất nhiều lần - Ảnh 4.

Bình Minh/ Tuổi Trẻ

https://ift.tt/3crESxE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét