Bị nợ lương, không có nhiều quyền lợi chính đáng và thường xuyên bị chủ quát mắng…, nhưng những lao động người Việt vẫn chấp nhận bám trụ ở Hàn Quốc chỉ để kiếm nhiều tiền gửi về cho gia đình.
Kể từ khi sang Hàn Quốc lao động bất hợp pháp, cuộc sống của Tùng (24 tuổi) chỉ quanh quẩn trong nhà máy và phòng trọ rộng chưa đầy 20 m2 dành cho 3 người. Một năm trước, gia đình Tùng vay mượn gần 13.000 USD lót tay cho “cò” để sang Hàn bằng đường du lịch, nhưng thực chất tìm cơ hội ở lại làm việc.
Sau khi đến Hàn Quốc, Tùng được sắp xếp làm việc tại một nhà máy gia công đồ nội thất, sơn sắt thép ở ngoại ô Seoul. Ở cùng nhà trọ còn có 2 đồng hương quê Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và đều là lao động bất hợp pháp. “Gần một năm nay em giống như sống trong địa ngục vậy, nhiều lúc muốn bỏ về nhưng cứ nghĩ đến khoản vay bố mẹ đang phải gánh lại cắn răng chịu đựng”, Tùng nói.
Tùng bảo cuộc sống lao động chui rất cực.
Vốn xuất khẩu lao động bằng con đường chui nên Tùng không biết tiếng Hàn Quốc và đây chính là trở ngại lớn nhất. “Nhiều lần chủ bảo em làm việc này nhưng em không hiểu gì, thế là làm sai ý. Cứ như vậy lại bị quát mắng”, Tùng ngậm ngùi nói. Mỗi tháng Tùng được trả gần 30 triệu đồng tiền lương, trừ chi phí sinh hoạt, cậu dành dụm hơn 20 triệu đồng gửi về cho gia đình. Tuy nhiên, Tùng nói rằng đã 2 tháng nay chủ chưa trả lương.
“Không giống như lao động hợp pháp, những người như bọn em thường xuyên bị chủ nợ, thậm chí quỵt lương. Khi chuyển qua công ty khác chẳng ai nhận được hết tiền công vì chủ ít nhất cũng nắm một tháng lương nhằm giữ chân nhân công”, Tùng nói và cho hay những lao động bất hợp pháp chẳng có quyền lợi gì. Không có bảo hiểm, sống chui lủi nên biết chủ sai phạm, đối xử tệ nhưng phải im lặng vì chẳng biết tố cáo với ai, sợ bị bắt.
“Ở đây người Việt chủ yếu lao động chân tay nên rất hay bị tai nạn, song chẳng có bảo hiểm cũng không dám đến bệnh viện chữa trị. Lần nào gọi điện về nhà cũng bảo sống tốt, công việc tốt nhưng thật ra em không muốn để gia đình phải lo, tắt máy em chỉ biết khóc”, Tùng nói. Bạn bè một số người làm việc bên Hàn nhưng Tùng không dám gặp họ vì sợ bị nhà chức trách địa phương bắt. Cuộc sống của Tùng chỉ quanh quẩn trong phòng trọ sau 12 tiếng làm việc mỗi ngày.
Cùng cảnh ngộ với Tùng, Long (25 tuổi) 6 năm sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Quê ở xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Long kể hội đồng hương xã bên Hàn Quốc tới 1.270 người, nhưng chỉ 70 người là hợp pháp, còn lại sống “chui”. “Có lẽ cũng nhờ những đồng tiền từ lao động chui ở Hàn Quốc mà xã em được xem là giàu nhất nước”, Long tự hào nói.
Bạn bè và người thân bên Hàn Quốc nhiều, lại sống ở đây lâu năm nên cuộc sống của Long có phần đỡ ngột ngạt hơn Tùng. Tuy nhiên, anh cũng thường xuyên bị nợ lương và bị chủ đối xử không tốt. “Làm việc thì không theo giờ giấc nào cả, công việc rất nặng. Có khi một ngày làm đến 16 tiếng vì phải theo ý chủ, bọn em phàn nàn sợ bị chủ báo cảnh sát bắt về nước”, Long nói.
Mỗi tháng Long gửi về cho gia đình gần 30 triệu đồng. “Làm bất hợp pháp lương cao hơn, nhiều người có sức khỏe đi làm xây dựng có khi mỗi tháng kiếm được 100 triệu đồng. Nghề đó làm ngoài trời, rất lạnh nên không phải ai cũng làm được”, Long kể.
Từng tốt nghiệp một trường đại học danh giá tại Hà Nội, Minh (28 tuổi) chấp nhận “treo bằng” để đi xuất khẩu lao động. Minh cho hay, sau vài tháng đi xin việc khắp nơi không được, anh nghe nói phải bỏ 300 triệu mới có được việc làm nên buông xuôi. “Bỏ số tiền đó để đi Hàn Quốc nhanh lấy lại vốn hơn, sau này về tính sau”, Minh nói và cho hay qua Hàn Quốc bằng đường du học, sau đó bỏ ra ngoài sống lưu vong.
“Ở đây hơn 5 năm đã quá quen với cuộc sống chui lủi rồi. Khổ cũng được, nhục cũng phải chịu, chỉ cần có tiền. Bây giờ về nhà chẳng biết làm gì ra tiền cả”, Minh nói và cho hay nhà chức trách địa phương thường tổ chức từng đợt truy quét người bất hợp pháp. Những lần như vậy, Minh cũng như nhiều người khác lại phải trốn chạy, có khi phải trốn trên mái nhà cả ngày.
Minh kể rằng, cách đây vài tháng bạn anh bị cảnh sát Hàn Quốc bắt khi đang trốn trên mái nhà. Lúc bỏ chạy, lao động này bị ngã phải nhập viện. Anh ta sau đó bị buộc về nước và bị phạt 100 triệu đồng. Minh cho rằng, lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc phải không để mất lòng nếu như không muốn bị bắt. “Phần lớn số bị bắt là do đồng nghiệp và chủ báo. Chỉ cần thấy ghét là họ báo, chính vì vậy phải luôn nhẫn nhịn. Chủ và đồng nghiệp nước ngoài có chửi cũng không dám cãi lại, bị nợ lương cũng không làm được gì”, Minh nói.
BTV7
http://bit.ly/2CqUj7s
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét