Không chỉ giữ ấm, bench parkas đã trở thành tiêu chuẩn vẻ ngoài trong giới trẻ Hàn Quốc. Nhiều phụ huynh phải mua áo khoác đắt tiền cho con để tránh bị phân biệt đối xử.
Bench parkas – từ dùng để chỉ những chiếc áo khoác phao dài quá gối – đã trở thành món đồ mùa đông không thể thiếu tại Hàn Quốc, đặc biệt phổ biến với học sinh, sinh viên trong những năm gần đây.
Không đơn giản chỉ là một chiếc áo ấm, bench parkas đã trở thành “tiêu chuẩn” trong giới trẻ xứ kim chi.
Theo tờ Dong-a Ilbo, có một hệ thống phân cấp giữa các học sinh, sinh viên Hàn Quốc dựa trên mức độ đắt đỏ của chiếc parkas họ mặc. Nhiều phụ huynh buộc phải mua cho con những chiếc áo khoác cao cấp, đắt tiền hơn để tránh bị phân biệt đối xử tại trường.
Học sinh Hàn Quốc mặc áo khoác phao dài đến trường Ảnh: Chosun.
Chiếc áo ‘đồng phục’ đắt đỏ
Ban đầu, những chiếc áo phao dài quá gối chỉ phổ biến đối với các vận động viên. Có thiết kế đơn giản, giữ ấm tốt và giá cả phải chăng nên món đồ này ngày càng được nhiều người ưa chuộng hơn.
Tuy nhiên, từ năm 2017, bench parkas thực sự bùng nổ trong giới trẻ. Chiếc áo phao “thần thánh” phù hợp cho cả nam và nữ này trở thành món đồ mùa đông bán chạy nhất ở Hàn Quốc.
Hình ảnh tất cả học sinh, sinh viên trong lớp học hay những người trẻ trên đường phố, tàu điện ngầm… cùng mặc chiếc áo phao dài đã trở nên quen thuộc trong vài năm trở lại đây.
Chính vì quá phổ biến trong trường học, bench parkas được xem như “đồng phục” mùa đông không chính thức của học sinh hay thường được gọi vui là “áo khoác quốc dân”.
Bench parkas trở thành món đồ mùa đông bán chạy nhất tại Hàn Quốc trong những năm gần đây. Ảnh: Yohap, Chosun.
Khoảng 3-4 năm trước, một chiếc áo phao dài chỉ có giá 20.000-200.000 won (khoảng 400.000 đồng đến 4 triệu đồng) và thường được bày bán trong các cửa hàng ven đường hay ở khu chợ. Thế nhưng, khi trở thành xu hướng trong giới trẻ, giá của một chiếc áo có thể từ 300.000 đến một triệu won (tương đương 6-20 triệu đồng).
Nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng cũng cho ra mắt bộ sưu tập áo khoác phao dài có giá vài triệu won/chiếc. Tiền mua áo khoác cho con trở thành gánh nặng tài chính không nhỏ với nhiều bậc phụ huynh.
“Tôi đã mua áo len cho con vào mùa đông năm ngoái và giờ nó muốn tôi mua áo khoác để hợp với xu hướng năm nay. Tôi đã khuyên con nên suy nghĩ lại hoặc tiết kiệm tiền nhưng nó khá bướng bỉnh”, chị Hwang Mo (44 tuổi, có con gái học cấp 2) nói với tờ Dong-a Ilbo.
Vào ngày 22/11/2017, hơn 1.000 người xếp hàng từ sáng tới đêm tại cửa hàng Jamsil trong Khu mua sắm Lotte ở Songpa-gu (Seoul, Hàn Quốc) để chờ mua Pyeongchang Long Padding – loại áo khoác phao dài ra mắt và phổ biến trong mùa Thế vận hội mùa đông Pyeongchang. Ảnh: Chosun.
‘Phải mua nếu không muốn trở thành kẻ đơn độc’
Chiếc áo phao dài gần như trở thành “đồng phục” nhưng có giá lên đến tiền triệu làm nảy sinh nhiều vấn đề. Khi nhìn vào thực trạng tất cả học sinh trong lớp mặc cùng một chiếc áo, nhiều người cho rằng giới trẻ Hàn Quốc rất sợ lỗi mốt và luôn cố gắng chạy theo xu hướng.
“Cơn sốt” bench parkas cũng giống như trào lưu mặc áo khoác duffel – phổ biến trong những năm 1990 – hay xu hướng áo khoác The North Face từng làm mưa làm gió năm 2010-2011 rồi sẽ nhanh chóng bị quên lãng và thay thế.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề về thời trang, tờ Korea Herald cho rằng việc người trẻ Hàn Quốc cố gắng chạy theo các trào lưu còn phản ánh một thực trạng, đó là áp lực ngang hàng trong xã hội.
Áo khoác The North Face và duffel từng “gây sốt” trong giới trẻ Hàn. Ảnh: Chosun, Reply 1997.
Trong bài hát có tên Spine Breaker của BTS – nhóm nhạc nam nổi tiếng Hàn Quốc – có đoạn như sau: “Không có sự lựa chọn. Tôi phải mua chiếc áo đó nếu không muốn trở thành kẻ đơn độc. Bởi vì tất cả người bằng tuổi tôi đều như thế cả”.
Những câu hát dường như nói hộ tiếng lòng của nhiều người trẻ xứ kim chi. Một chiếc áo không chỉ là vấn đề lỗi mốt hay không và một số người mặc nó không chỉ đơn giản vì đẹp hay thích. Họ đang sợ bị cô lập với đám đông còn lại.
Theo các trang tin địa phương, có một hệ thống phân cấp xã hội giữa các sinh viên Hàn Quốc dựa trên mức độ đắt đỏ của chiếc parkas họ mặc. Để ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử giữa các học sinh, sinh viên, một số trường tại Hàn Quốc đã cấm mặc áo phao dài khi ngồi trong lớp.
Nhiều ngôi sao nổi tiếng xứ kim chi mặc và quảng cáo cho các thương hiệu áo khoác phao dài. Ảnh: MK, TV Daily, Beauty K-talk.
BTV7
http://bit.ly/2smvmp0
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét