Phải chi mà giờ nằm xuống đây, áp tai nghe những xung động trong đất, lại thấy cái nắng Tết vàng vàng, đổ bóng nghiêng nghiêng trước hiên nhà, chắc lòng sẽ bình yên đến lạ.
Mấy hồi cận Tết mà xuống Cabramatta hay Bankstown, vốn được gọi là phố người Việt ở Sydney, sẽ thấy bán đủ thứ bánh mứt, hoa kiểng, nhang đèn, mâm quà cáp với nhiều màu sắc sặc sỡ.
Dọc trên những con phố, còn có cả mấy cửa hàng băng đĩa mở nhạc Sến tưng bừng. Lúc còn ở Sài Gòn, ai mà mở nhạc Sến nghe là ôi thôi tôi thò tay tắt đài từ tám kiếp. Vậy mà sang tới bên này, nghe mấy đoạn ngân của Quang Lê, Như Quỳnh, Đan Nguyên, tự động nước mắt rớt ra hồi nào không hay. Thèm cái không khí Tết chộn rộn ở Sài Gòn muốn khóc òa lên giữa phố.
Sài Gòn là nơi giao thoa của cả hai miền suy tư giữa người già và người trẻ. Người già sống vì kí ức là phần nhiều, dù Sài Gòn có thay da đổi thịt như thế nào. Những “nhân chứng thời gian” ấy lúc nào cũng lau chùi kí ức của mình rất tinh tươm và lặng ngắm mỗi ngày, vẫn đắm mình trong không gian chầm chậm dù ngoài kia có nhộn nhạo bao nhiêu. Người trẻ sống trẻ nhưng thích nghĩ già, thích giả vờ “già”, giả vờ hoài cổ, âu đó cũng là một điểm hay cần phát huy. Đâu phải cứ đợi đến lúc tuổi đã cao mới thấy mình cần hoài niệm.
Từ hồi còn ở Sài Gòn, tôi đã là đứa thường xuyên thèm Tết. Đối với tôi, Tết không chỉ là những ngày lễ lộc được nghỉ học, nghỉ làm, được ăn bánh mứt, được lì xì hay được bận đồ mới.
Tết đối với tôi, bắt đầu từ hôm cả nhà gom nhau lại sơn lại bức tường vôi. Mùi vôi sống trộn với nước sôi lục bục, mùi nước sơn mới, mùi bụi bặm trộn lẫn với nhau, báo hiệu những ngày tất bật. Khi đó nhà tôi còn ở trên con phố Trần Đình Xu, xưa hay gọi là đường Phát Diệm, con phố của xóm lao động giữa lòng quận 1.
Mùi Tết càng lúc càng rõ hơn vào cái ngày mẹ cùng các chị bắt tay vào làm kiệu, phơi củ cải và Ngoại bắt đầu nấu bánh chưng.
Tôi còn nhớ rất rõ hương và vị của những năm một nghìn-chín trăm-hồi ấy, khi mà tôi vẫn còn là một con nhóc thích chạy lăng quăng quanh nồi bánh to, rồi nằm lăn lóc trên cái ghế bố trước hiên nhà, nghe cái lạnh của sương đêm phủ lên con phố. Nghe cả mùi khói, nồng, ngai ngái, tiếng lửa, củi kêu lách tách, tiếng xe máy vẳng lại từ xa. Tiếng cửa sắt cót két từng nhà, và người thân thủ thỉ giữa phố đã dần chìm vào giấc ngủ. Con bé con là tôi khi ấy, cũng nằm ngủ ngon lành, cuộn tròn trong hơi ấm từ bếp lửa phả ra. Cái mát, cái lạnh của sương đêm mơn man trên má. Lúc mở mắt ra thấy trời đã trong, có nắng vàng rọi nghiêng nghiêng dịu dàng vào hiên nhà và bánh đã chín, thơm nức mũi con bé con.
Những ngày đó, xe hàng bán bánh cuốn của mẹ tôi được dẹp dọn gàng vào một góc và chậu mai đã được chở về từ vườn, đặt chiễm chệ giữa nhà.
Tôi đặc biệt háo hức cái đêm được ba mẹ dẫn ra chợ hoa trên đường Nguyễn Huệ, lúc đó chưa được làm thành đường hoa hoành tráng như bây giờ mà vẫn còn là một chợ hoa thực sự. Rất nhiều thương lái tụ tập về buôn bán tấp nập khoảng hai tuần cận Tết. Tôi hay lon ton ra bày đặt đi vòng quanh ngắm nghía, lựa lựa giống ba mẹ hay làm, nhưng cây nào cây nấy cũng cao gấp rưỡi thân người tôi nên phải bám sát hai ông bà để không lạc.
Sài Gòn - Chợ hoa Tết Nguyễn Huệ
Tôi đặc biệt thích mấy chậu quốc được khéo léo trồng thành hình con rồng, hay mấy chậu ớt có trái tròn tròn xanh xanh, cam cam, đo đỏ. Hầu như năm nào tôi cũng nằng nặc đòi ba mẹ mua về cho một chậu để chăm mấy ngày Tết.
Rồi Tết thực sự về bằng cái đêm Giao Thừa rộn rã. Trời lúc nào cũng se lạnh và nhà nào cũng sáng đèn, mọi người ai cũng nôn nao, háo hức.
12 giờ đêm mà khắp nơi nhộn nhịp như phố 5 giờ chiều. Sau khi pháo bông nổ vang trời, cả nhà tôi cùng gia đình cô Hai hàng xóm kéo nhau đi bộ đến chùa Linh Sơn ở phường Cô Giang gần chợ Cầu Muối.
Chùa vào đêm đó đông nghịt người, khói nhang mù mịt nên nước mắt nước mũi tôi lúc nào cũng tèm nhem. Tôi đua đòi đi theo mọi người lên Chùa rồi cái kết lúc nào cũng là nằng nặc đòi về để tranh thủ ăn miếng mứt trước khi đi ngủ, háo hức đợi sáng mồng 1 được bận áo mới, đi chúc Tết dòng họ và nhận lì xì.
Mấy ngày Tết sau đó, tôi thích ngồi nhìn ra đường, tận hưởng sự tĩnh lặng tuyệt đối trên cái con phố lao động vốn vô cùng ồn ào vào những ngày thường. Tôi đặc biệt nhận ra cái nắng vàng ươm ngày Tết rất đẹp, rất dịu dàng, rọi vào hiên nhà đổ bóng nghiêng nghiêng. Cái nắng vàng hòa lẫn với xác pháo đỏ rực đó đã in đậm trong tâm trí tôi tự khi nào.
Về sau, nhà tôi dọn sang khu Đồng Diều quận 8, lúc đó tôi đã 15 tuổi, nhà mới nên chẳng còn phải sơn lại tường mỗi năm. Chợ hoa đã thành “đường hoa’’ được trang hoàng đẹp đẽ nhưng không còn cái không khí như trước. Nhà Nước cũng cấm đốt pháo, và chùa ở xa hơn nên không còn có thể đi bộ tới vào đêm Giao Thừa.
Tết xưa hay Tết nay thì vẫn là thời khắc thiêng liêng, vẫn vô cùng ý nghĩa đối với tôi, nhưng có điều gì đó, tôi đã gửi gắm lại trong những ngày Tết ở con phố lao động nghèo kia. Tôi nhớ hoài cái Tết ở đường Trần Đình Xu, mắc kẹt ở cái không gian và thời gian đó, mãi mãi không có gì có thể thay thế được, mãi mãi không thể nào lớn lên được.
Cho tới tận bây giờ, dù đã ở cách xa Sài Gòn 7,000 cây số, tôi vẫn còn nhớ hoài những ngày Tết xưa. Phải chi mà giờ nằm xuống đây, áp tai nghe những xung động trong đất, lại thấy cái nắng Tết vàng vàng, đổ bóng nghiêng nghiêng trước hiên nhà, chắc lòng sẽ bình yên đến lạ.
http://bit.ly/2S0xAda
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét