Hôm nay Thứ ba ngày 30/4, sau đây là tóm lược các sự kiện chính xảy ra trên thế giới trong đêm qua ngày 29 /4 /2019 như sau:
Người Hồng Kông xuống đường biểu tình chống dẫn độ sang Trung Quốc.
Hàng ngàn người đã tới trước tòa nhà quốc hội Hồng Kông vào Chủ nhật (28/4) để biểu tình yêu cầu cơ quan lập pháp bác bỏ đề xuất cho phép dẫn độ nghi can sang Trung Quốc đại lục để xét xử, vì lo ngại rằng nếu được thông qua, luật này sẽ động chạm tới quyền tự do cốt lõi của người dân đảo, theo Reuters.
Người biểu tình, cầm những tấm biển ghi dòng chữ “không dẫn độ sang Trung Quốc”, đã tuần hành dọc theo các con đường ở Hồng Kông từ Vịnh Causeway đến văn phòng quốc hội.
Những nhà hoạt động kỳ cựu của Hồng Kông và cựu nghị sĩ Leung Kwok-hung nói rằng đề nghị cho dẫn độ nghi can sang Trung Quốc của chính quyền đặc khu có nguy cơ tước bỏ nốt “sự tự do trong sợ hãi” còn xót lại của người Hồng Kông.
“Người dân Hồng Kông và du khách tới thăm Hồng Kông sẽ mất đi quyền không bị dẫn độ tới Trung Quốc đại lục”, ông Leung Kwok-hung nói. “Họ sẽ phải đối mặt với một hệ thống pháp lý bất công ở đại lục”
Người biểu tình Hồng Kông xuống đường hôm Chủ nhật để phản đối đề xuất dẫn độ nghi can sang xét xử ở Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Đánh bom ở Pakistan, 3 người thiệt mạng
Một quan chức an ninh Pakistan cho hay, một vụ đánh bom ở khu vực gần biên giới Afghanistan đã làm chết ba nhân viên an ninh quốc gia, theo AP.
Quan chức địa phương có tên Rehmat Khan nói rằng, ngoài những người thiệt mạng, một dân quân đã bị thương trong vụ nổ vào hôm thứ Bảy gần trạm kiểm soát an ninh ở Bắc Waziristan, nơi có hang ổ từ lâu của các lực lượng Taliban, al-Qaida và các nhóm chiến binh khác.
Hiện chưa nhóm vũ trang nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công. Pakistan tuyên bố đã thực hiện việc trấn áp các nhóm khủng bố bằng một loạt các hoạt động quân sự trong những năm gần đây, nhưng khu vực này vẫn thường xuyên xuất hiện các vụ đánh bom và xả súng.
Một vụ đánh bom ở Pakistan. (Ảnh: AFP)
Tìm sự sẻ chia, ngoại trưởng Iran nói sắp thăm Triều Tiên
Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif, nói rằng ông sẽ thăm Triều Tiên trong bối cảnh cả hai nước cùng đang phải vật lộn với các lệnh trừng phạt của Mỹ, theo AP.
Hãng thông tấn IRNA của Iran hôm Chủ nhật dẫn lời Mohammad Javad Zarif nói rằng chuyến thăm của ông tới Bình Nhưỡng đang được lên kế hoạch và sẽ sớm được công bố.
Hoa Kỳ đã tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Iran kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi hiệp ước hạt nhân mà chính quyền Obama ký với Teheran năm 2015. Còn đối với Triều Tiên, Hoa Kỳ cũng đã thắt chặt các lệnh trừng phạt nhằm tăng cường sức ép buộc Bắc hàn phải giải trừ chương trình hạt nhân của mình.
Một phái đoàn của quốc hội Iran đã đến thăm Triều Tiên vào tháng 12 năm ngoái, và trước đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên, Ri Yong Ho, đã đến thăm Iran vào tháng 8 cùng năm.
Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif. (Ảnh: USA Today)
Úc có thể tiếp sẽ cắt giảm tiếp nhận người di cư nước ngoài
Thủ tướng Úc Scott Morrison có thể sẽ đưa ra quyết định cắt giảm số lượng người di cư hàng năm và đóng băng đối với việc tiếp nhận người tị nạn, theo Reuters.
“Việc quản lý tốc độ tăng dân số của chúng ta là rất quan trọng đối với chất lượng cuộc sống ở các thành phố của chúng ta”, ông Morr Morrison nói trong một cuộc họp của đảng Tự do ở Sydney vào Chủ nhật.
Cục Thống kê Úc cho biết lượng người di cư nước ngoài vào Úc, trong năm ngoái, tính đến tháng 9 năm 2018 là 240.100 người.
Thủ tướng nói rằng nếu chính phủ của ông được bầu lại trong kỳ bầu cử vào ngày 18/5 tới đây, ông sẽ giới hạn số lượng người di cư hàng năm ở mức 160.000 người trong suốt nhiệm kỳ của mình.
Thủ tướng Scott Morrison nói chuyện với giới truyền thông trong cuộc họp báo tại Tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Canberra, Úc, ngày 11 tháng 4 năm 2019. (Ảnh: AAP / Mick Tsikas/REUTERS)
Gần 300 người Indonexia chết vì lao lực trong khi phục vụ bầu cử
Tính đến tối ngày thứ Bảy (27/4), 10 ngày sau cuộc bầu cử tổng thống ở Indonesia, 272 người phục vụ sự kiện quan trọng này đã tử vong vì các bệnh liên quan đến tình trạng quá tải từ việc kiểm đếm hàng triệu lá phiếu bằng tay suốt nhiều giờ liên tục, ông Arief Priyo Susanto, phát ngôn viên của Ủy ban Bầu cử Indonesia, cho biết thông tin, theo Reuters.
Hôm 23/4, số người chết trong khi phục vụ bầu cử là 139. Cuộc bầu cử ngày 17/4 là lần đầu tiên Indonesia, quốc gia với 260 triệu dân, kết hợp bầu tổng thống với bầu nghị sĩ quốc gia và khu vực vào cùng một ngày nhằm cắt giảm chi phí.
Tỷ lệ người dân Indonesia đi bầu khá cao, khoảng 80% trong tổng số 193 triệu cử tri. Mỗi cử tri phải bỏ 5 lá phiếu tại hơn 800.000 điểm bầu cử được thiết lập trên khắp cả nước. Tuy nhiên, việc kết hợp 5 trong 1 này mang đến áp lực hậu cần hết sức nặng nề.
Bộ Y tế Indonesia ngày 23/4 đã yêu cầu tất cả các cơ sở y tế dành sự chăm sóc tốt nhất cho những nhân viên bầu cử bị mất sức. Trong khi đó, Bộ Tài chính đang chuẩn bị bồi thường cho gia đình những người đã mất.
Một công nhân đang sắp xếp vòng hoa và bảng chúc mừng sau cuộc bầu cử bên ngoài trụ sở Ủy ban Bầu cử tại Jakarta, Indonesia, ngày 21 tháng 4 năm 2019. (Ảnh: REUTERS / Willy Kurniawan)
Theo Đại Kỷ Nguyên
http://bit.ly/2UOD7jp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét