Sau khi tiếp xúc với một người quen đến từ Pháp, Trần Vũ Kiều Phương xuất hiện các triệu chứng chảy mũi, hắt hơi, đau đầu… Ngày 7.3, Phương nhận kết quả dương tính với Covid-19.
Sau nhiều giờ chờ đợi, trong khi vẫn ung dung chờ kết quả vì cho rằng bản thân đã khỏe, không thể lây bệnh thì Phương chính thức nhận được thông báo từ bệnh viện. “Xin lỗi bạn đã dương tính với Covid-19, chúng tôi sẽ gửi khẩu trang và gel rửa tay cho bạn”.
Khóc nức nở khi nhận kết quả dương tính với Covid-19
Trần Vũ Kiều Phương (29 tuổi, Kon Tum) hiện du học ngành Tâm lý giáo dục tại Trường ĐH Geneve (Thuỵ Sĩ). Phương đã sống ở đây hơn 4 năm. Ngoài đi học, Phương còn đi làm thêm, công việc là đưa đón và dạy trẻ.
Ngày 29.2, khi sang Pháp chơi, Phương gặp một cô bạn. Hai người hôn má chào nhau. Đến lúc chia tay người này cho biết bị cảm sốt và thấy người không khỏe nên xin phép về nhà nghỉ ngơi. 4 ngày sau cuộc gặp, Phương bắt đầu có những triệu chứng hắt hơi, chảy mũi nhưng nghĩ thời tiết đang lạnh nên cô phớt lờ các dấu hiệu này.
Ngày 5.3, Phương bắt đầu thấy mệt và sau đó nhận được tin cô người Pháp bị nhiễm Covid-19, đã nhập viện. “Lúc này mình mới để ý các triệu chứng bệnh và bắt đầu lo lắng. Ngay lập tức mình gọi điện đặt lịch hẹn cho bác sĩ riêng để khám”, Phương kể.
Một ngày sau đó, thấy người bắt đầu bình thường dù còn hơi mệt, chứng sổ mũi đã hết, cổ họng khô thoáng, không ho, không sốt… nhưng bác sĩ riêng của Phương vẫn liên lạc đến trung tâm dịch bệnh lớn nhất Geneve, nơi làm xét nghiệp chủng virus mới này.
“Bác sĩ ở trung tâm này cho rằng còn sớm để xét nghiệm và phải đợi đến 14 ngày nhưng quá lo lắng mình đã yêu cầu được xét nghiệm ngay vì mình làm việc với trẻ con, nếu bị nhiễm có thể lây cho tụi nhỏ”, Phương chia sẻ và cho biết trong ngày hôm đó cô phải đợi hơn 4 giờ đồng hồ để được lấy mẫu đi kiểm tra, sau đó cô được cho về nhà và yêu cầu không được ra ngoài.
Sau 24 giờ chờ đợi, đến ngày 7.3 trong khi vẫn ung dung chờ kết quả vì cho rằng bản thân đã khỏe, không thể lây bệnh thì Phương chính thức nhận được thông báo từ bệnh viện. “Xin lỗi bạn đã dương tính với Covid-19, chúng tôi sẽ gửi khẩu trang và gel rửa tay cho bạn”.
“Khi nhận được thông báo mình đã bủn rủn hết tay chân và bật khóc vì lo lắng khi chỉ có một thân, một mình ở đất nước này. Mình cảm thấy có lỗi khi thờ ơ trước dịch bệnh và nghĩ sẽ an toàn ở Thụy Sĩ. Mình vẫn bình thản với cuộc sống sinh viên, đi học đi làm và hủy vé máy bay về Việt Nam tránh dịch, không đi phương tiện công cộng để tránh bị lấy nhiễm nơi đông người, rửa tay thương xuyên bằng dung dịch kháng khuẩn và rồi mình vẫn bị lây nhiễm virus Corona”, Phương nói.
Dù vậy, trong những ngày trước đó Phương đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho tình huống này nên rất nhanh sau đó cô lấy lại bình tĩnh. Phương lần lượt gọi về thông báo cho gia đình, thông báo đến chỗ mình làm việc, những người đã tiếp xúc trước đó và cha mẹ những học sinh cô nhận đưa đón, dạy trước đó để họ theo dõi con. Trong khi người nhà lo lắng và giục cô về nước thì cô lại là người động viên mọi người bình tĩnh.
Tự cách ly tại nhà để theo dõi bệnh
Phương vẫn quyết định ở lại Thuỵ Sĩ và làm theo hướng dẫn của bác sĩ là tự cách ly và theo dõi bệnh tại nhà sau khi phát hiện dương tính với virus Corona.
“Khi nhận được thông tin mình bị bệnh, nơi mình làm việc và cả phụ huynh của các em nhỏ đều an ủi mình ở nhà nghỉ ngơi. Mình cũng xin nghỉ học ở trường, bạn cùng lớp sẽ ghi âm bài giảng và gửi đều đặn hằng ngày để không sót bài trong những ngày này. Riêng về thực phẩm, mình đã tích trữ một ít trước đó, thiếu thứ gì thì nhờ bạn mua tới, để ngoài cổng rồi tự ra lấy” Phương kể.
Giải thích lý do không điều trị cách ly tại bệnh viện Phương cho biết, cách thức chống dịch của Thụy Sĩ khác Việt Nam. Họ sẽ xem xét tình hình sức khỏe và mức độ tình trạng bệnh của mỗi người. Tình trạng của Phương không quá nặng, không ho không sốt nên không phải nhập viện. Phương cũng không dùng thuốc vì thực tế bác sĩ chỉ cho thuốc theo triệu chứng bệnh nhân và không có thuốc trị virus. Cô bị đau nhức cơ thể nên họ khuyên dùng thuốc giảm đau, như bệnh cúm bình thường.
“Ban đầu mình cũng xin bác sĩ cho nhập viện nhưng họ bảo không cần thiết. Mình cũng thích ở nhà hơn, chỉ cần bản thân có trách nhiệm, cách ly ở nhà tuyệt đối là được”, cô chia sẻ và cho biết, nếu trong trường hợp có dấu hiệu nặng và sốt, khó thở thì cô có thể gọi vào số khẩn cấp để nhập viện.
Từ ngày 8.3, các triệu chứng bệnh của Phương bắt đầu rõ ràng hơn với những cơn đau nhức cơ thể, đau đầu, đau ngực khó thở, đau cơ bắp… Để vượt qua những cơn đau này, thay vì nằm một chỗ Phương tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, tăng cường hoạt động để quên cảm giác mệt mỏi; cô chọn xem những bộ phim vui vẻ để tinh thần thoải mái hơn và không quên theo dõi liên tục nhiệt độ cơ thể.
Sau 10 ngày kể từ ngày đầu tiên tiếp xúc với người quen ở Pháp (người dương tính với virus Corona) Phương thấy tình trạng sức khỏe đã ổn định và tốt hơn, những triệu chứng bệnh dần biết mất nên được bác sĩ riêng yêu cầu xét nghiệm lần 2.
“Ban đầu mình quay lại chỗ lần đầu xét nghiệm thì họ từ chối và bảo rằng kết quả dương tính là dương tính. Sau đó mình sang bệnh viện Geneve để xin xét nghiệm”, Phương cho biết.
Hôm qua, Phương đã nhận được kết quả xét nghiệm lần hai tại bệnh viện Geneve với kết quả xét nghiệm âm tính. Các bác sĩ cũng cho phép cô quay trở lại cuộc sống bình thường và thông báo chấm dứt gọi điện hỏi thăm, theo dõi tình hình sức khỏe mỗi ngày.
Lúc này Phương cũng nhận được tin cô bạn bên Pháp đã hết sốt, không còn đau đầu. Hiện vẫn được điều trị tại bệnh viện.
Nhận kết quả lần 2, Phương lại bật khóc thêm một lần nữa, lần này cô khóc vì vui mừng khi đã chiến thắng được dịch bệnh. “Thay vì buồn phiền phải nghỉ học, không đi làm, mất lương, bị cô lập mình xem đợt nhiễm Covid-19 lần này là một sự trải nghiệm và dành thời gian này để nghỉ ngơi…”, cô gái nói thêm.
Nguyễn Loan/thanh niên
https://ift.tt/2ILPCsD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét