Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2020

Nhiều gia đình Việt vỡ mộng khi sang trời Tây định cư

Từng hét lên vì vui sướng khi được sang Pháp định cư cùng chồng, chị Thuận (Hà Nội) sầu não tới mức phải về nước chỉ sau một năm ở nơi đất khách quê người.

 

Ba năm trước, khi sang thăm chồng lúc anh học tiến sĩ ở châu Âu, chị Thuận (Hoàn Kiếm, Hà Nội) từng ao ước có ngày cả nhà được sống ở đất nước đó. Vì thế, lúc chồng xin được việc làm và nói sẽ đón vợ con sang Pháp định cư, chị gật đầu ngay.

“Thành thật mà nói thì khi ấy tôi hơi tiếc vì đang có việc tốt lương cao. Nhưng nghĩ sang bên kia lối sống văn minh, vợ chồng đoàn tụ, con cái được hưởng nền giáo dục tiên tiến nên quyết đi rất nhanh”, người phụ nữ 38 tuổi nhớ lại.

Nhưng cuộc sống xứ người không màu hồng như chị tưởng. Chồng ngày ngày đi làm, con cũng đi học, chị lủi thủi ở nhà một mình. Vào mùa đông, xung quanh tuyết trắng xóa thì chị càng thấy cô quạnh. Dù có tiếng Anh khá, nhưng sau vài khóa học tiếng Pháp, chị vẫn không thể hiểu người bản địa nói chuyện nên chẳng dám giao tiếp với ai. Bằng cấp trong nước vô giá trị, ngôn ngữ kém, chị muốn tìm việc để đi làm cho đỡ buồn và chia bớt gánh nặng kinh tế cho chồng nhưng không được.

Càng ngày, chị càng cảm thấy mình lạc lõng. Chồng chị đang thời điểm phải nỗ lực hết sức để khẳng định bản thân ở môi trường mới nên cũng không có nhiều thời gian cho vợ. Đến khi thấy chị thường xuyên đến bữa đếm từng hạt cơm, giữa đêm ngồi dậy khóc tu tu, anh mới giật mình. Chị Thuận được chồng đưa về nước điều trị trầm cảm và đến bây giờ hai vợ chồng vẫn mỗi người một nơi. “Tôi không muốn xa chồng nhưng cũng chẳng muốn sang đó nữa”, chị Thuận bày tỏ.

Câu chuyện về những gia đình Việt vỡ mộng khi sang xứ người định cư - ảnh 1

Ở xứ lạnh những ngày đông tuyết trắng khắp nơi, nhiều người Việt cảm thấy cô đơn và nhớ nhà da diết. Ảnh: B.K.

Tuy nhiên, hầu như số đông khi mới xa xứ đều gặp ít nhiều khó khăn. Khi đến xã hội giàu có và văn minh, nhiều người lại cảm thấy lạc lõng bởi họ thiếu các mối liên kết với những người xung quanh. Ngoài ra, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa cũng dễ khiến họ cảm thấy lo lắng, bất an.

Thạc sĩ Lã Linh Nga, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý – giáo dục (Hà Nội) cho biết, nhiều người lớn khi ra nước ngoài, dù là những nơi được cho là văn minh, đáng sống, để làm việc hoặc định cư, đã bị sốc, thậm chí trầm cảm, nhất là giai đoạn đầu. Có thể do họ chưa chuẩn bị kỹ hoặc vốn có khả năng thích ứng không tốt – như có người dễ cảm, sốt khi thời tiết thay đổi trong khi những người khác vẫn khỏe mạnh.

Một vấn đề khác là nhiều người khi qua các nước phát triển hơn mặc nhiên coi đó là mảnh đất hứa mà không lường trước rất nhiều thách thức đang đợi, nên họ dễ thất vọng, nản lòng. Hơn nữa, với nhiều người Việt, tình yêu quê hương, sự gắn bó ruột thịt rất sâu đậm, khiến việc ra nước ngoài sống có thể trở thành một thử thách lớn. Hơn nữa, khi định cư ở một nơi mà mọi sở thích, thú vui thường ngày bị cắt hết, người ta càng dễ cảm thấy bí bách, cô lập.

Trường hợp một bác sĩ từng tư vấn tại trung tâm của bà Linh Nga 4 năm trước là một điển hình.

Anh tên Thành, 43 tuổi, công tác tại một tổ chức y tế quốc tế. Do xuất sắc khi làm việc trong nước, anh được cử sang làm đại diện tại Singapore. Ở đây, anh có nhà ngay, con cái được đi học trường tốt ngay gần đó. Thấy tương lai rộng mở, vợ anh Thành quyết định bỏ việc giảng viên trong nước để sang sinh sống hẳn cùng chồng. Tuy nhiên, chưa đầy năm sau, cả nhà ai cũng chỉ muốn quay về.

“Bình thường gia đình tôi vốn thích giao lưu, rất hay tụ tập với bạn bè, họ hàng. Nhưng sang đó, chúng tôi cả ngày chỉ quanh quẩn đi từ ‘chiếc hộp’ nọ sang ‘chiếc hộp’ kia vì nhà, cơ quan, trường học là các khối san sát… Lúc nào cũng chỉ có vợ chồng con cái lủi thủi với nhau”, anh Thành kể.

Bản thân anh, khi đến cơ quan mới luôn cảm giác căng thẳng, lo âu, thậm chí cứ nhìn thấy sếp tổng là xây xẩm, buồn nôn, không thể làm nổi việc gì. Anh đã nghĩ tới việc xin nghỉ, quay về nước nhưng lại tiếc và biết vị trí của mình rất quan trọng, phải mất 6 tháng mới có thể tìm được người thay thế. Càng nghĩ, anh càng cảm thấy bí bách, mệt mỏi tới mức mất ngủ triền miên.

Sau một lần về nước đến tư vấn chuyên gia tâm lý và bàn bạc cùng vợ, anh quyết định nghỉ việc. Anh thông báo tin này với sếp và đề xuất được giảm bớt lượng công việc trong thời gian đợi người thay thế. “Tôi cảm giác thoải mái hẳn và thấy thật ra mọi lối đều có đường lui, chỉ là bản thân đôi khi quá tham lam, không muốn mất thứ gì”, anh Thành chia sẻ.

Theo bà Lã Linh Nga, thực tế hiện nay, rất nhiều người, nhất là những người trẻ, sau thời gian bỡ ngỡ ban đầu, thường nhanh chóng thích nghi và thích thú với lối sống rạch ròi, văn minh, có nhiều cơ hội phát triển cho bản thân ở nước ngoài. Dù vậy, khi có ý định thay đổi môi trường sống, bạn cũng cần có sự chuẩn bị về những kỹ năng sinh tồn, tâm lý lẫn tìm hiểu về văn hóa, cuộc sống nơi mới. Những điều này sẽ giúp bạn vững vàng và tin vào bản thân khi gặp những điều không như ý.

Kết quả hình ảnh cho Câu chuyện về những gia đình Việt vỡ mộng khi sang xứ người định cư

 

Rời Hà Nội sang sống tại thành phố Winnipeg (Canada) từ năm 2016, anh Bùi Kiên chia sẻ, trước khi đi, anh xác định sẽ phải làm lại từ đầu và sẵn sàng đi lên từ mức thấp nhất trong xã hội nên dù gặp khó khăn giai đoạn đầu, anh cùng gia đình cũng nhanh chóng thích nghi.

“Ban đầu cũng rất buồn khi chưa quen nhịp sống mới. Ở Việt Nam nhiều người thân, bạn bè, thích thì gặp nhau. Bên này mọi người thường tập trung vào công việc và gia đình, ít trò chuyện thân tình. Nơi tôi ở mùa đông còn rất lạnh, 4h chiều đã tối mịt nên suốt vài tháng ngoài việc đi học, đi chợ thì cả nhà chẳng ghé đâu khác, cũng ít gặp ai”, anh Kiên kể.

Anh Kiên chia sẻ, anh ra đi vì bản thân thích thay đổi, muốn có những trải nghiệm mới, đồng thời mong con cái có môi trường sống và giáo dục tốt hơn. Từ vài năm trước khi lên đường, anh đã tìm hiểu thông tin trên internet về nơi mình định tới sống, kết bạn được với cộng đồng người Việt ở đó. Chính những người này đã tới tận sân bay đón anh lúc nửa đêm, tìm thuê nhà, thuê xe và sau này giúp anh trong quá trình mua nhà, ôtô…

“Đến giờ gia đình mình đã quen với cuộc sống mới rồi nhiều khi cũng vẫn buồn và nhớ quê, nhớ người thân. Điều kiện sống càng tốt thì càng thương mọi người ở nhà. Dù vậy, vợ chồng mình đều đã có việc làm, có cộng đồng sinh hoạt chung (theo đạo Thiên Chúa), con cái rất thích thú với môi trường mới… nên nhìn thấy nhiều điều tích cực và tin vào lối đã chọn”, anh Kiên nói.

 

Theo Vnexpress

https://ift.tt/2WeJMbg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét