Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2019

Không cho vợ về nhà ngoại ăn Tết, chồng có thể bị phạt tiền?

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình, hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Cận kề ngày Tết, câu chuyện về ăn Tết, chúc Tết gia đình nhà ngoại lại được nhắc đến. Nhiều nàng dâu than thở cả năm đã sống xa nhà, chỉ được vài ngày Tết về thăm bố mẹ nhưng lại không được chồng tạo điều kiện, thậm chí còn ngăn cản, cấm đoán.

Lý do các ông chồng đưa ra để người vợ không thể về ăn Tết nhà ngoại có thể kể đến như đường xá xa xôi, con còn nhỏ, gia đình nhà nội bận rộn...

Dẫu biết "xuất giá tòng phu", những người vợ thường im lặng chiều ý chồng cho ngày Tết tránh mâu thuẫn, tuy nhiên trong lòng không tránh khỏi tủi thân, buồn bực.

Liên quan đến câu chuyện gia đình kể trên, ít người biết rằng hành vi của người chồng ngăn cấm vợ về nhà ngoại ăn Tết đã vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình.

Cụ thể, theo Luật Hôn nhân và gia đình, đối với hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng.

Theo đó, nếu người chồng có hành vi cấm đoán, ngăn cản vợ về thăm bố mẹ đẻ, kể cả trong dịp Tết nhằm gây áp lực tâm lý thường xuyên đối với người vợ sẽ chịu mức phạt nêu trên.

Ngược lại, nếu vợ cấm đoán chồng gặp gỡ người thân, bạn bè cũng với mục đích gây áp lực tâm lý đến người chồng thì cũng sẽ chịu mức phạt tương tự.

Ngoài ra, Theo Nghị định 167 về Phòng chống bạo lực gia đình:

Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các hành vi:

a) Dùng các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình ;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối .

Điều 50. Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình;

b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình.

Điều 51. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư;

b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự.

Điều 52. Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp;

b) Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc ;

c) Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh .

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục ;

b) Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình mà thành viên đó không phải là vợ, chồng .

Theo Thoidai

 

 

 

http://bit.ly/2D79iFd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét