Gần đây, có 1 số tờ báo đăng bài phản ánh về thói hư tật xấu của một bộ phận người Việt Nam khi ra nước ngoài lao động và học tập, trong đó có tính ăn cắp vặt. Làm xấu đi hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Bản thân tôi đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc cũng được chứng kiến vô số những vụ trộm cắp vặt mà thủ phạm chính là một bộ phận nhỏ người Việt Nam chúng ta. Xin các bạn đừng cho tôi là rỗi hơi, là vạch áo cho người xem lưng…Chúng ta luôn khuyến khích những việc làm tốt, những nghĩa cử cao đẹp đồng thời cũng bài trừ những cái xấu cho cuộc sống tốt đẹp, xã hội văn minh hơn.
Nói về những câu chuyện ăn cắp vặt của người Việt sống tại Hàn Quốc thì nhiều vô kể. Từ lá rau, cọng hành, hoa quả hái trộm ngoài vườn.Con gà, con vịt bắt trộm ở nông trang cho đến quần áo, máy ảnh,máy nghe nhạc lấy trộm trong siêu thị…v.v…
Ảnh cắt từ một clip, khách du lịch người Việt Nam trộm cắp được phát hiện
Có 1 bộ phận không nhỏ lấy câu: “Tăng xin, Giảm mua, tích cực cầm nhầm”, làm khẩu hiệu sống cho mình. Điều đáng ngại ở chỗ, họ không coi đó là hành vi đáng xấu hổ. Trái lại họ lại coi đó như 1 chiến tích để khoe khoang trong những cuộc trà dư, tửu hậu.
Một người mà tôi quen biết, anh ta tự hào khoe rằng; Trong 10 tháng nuôi con ở bên Hàn, vợ chồng anh ta không phải bỏ ra 1 đồng nào để mua sữa cho con mà hoàn toàn là những hộp sữa “cầm nhầm” trong siêu thị. Không biết sau này khi đứa trẻ đó lớn khôn, nó biết được rằng nó được nuôi lớn bằng những giọt sữa đi ăn cắp, thì liệu người bố người mẹ đó còn có đủ tư cách để mà dạy dỗ con mình không nhỉ? Có 1 anh sắp đến ngày giỗ bố.
Đêm trước ngày giỗ, anh ta vác bao tải đến nông trại gần công ty và chỉ sau 1 loáng là đã mang về nửa bao chiến lợi phẩm. Ngày giỗ đến, mâm cỗ cúng cha anh ta được bày ra rất chi là thịnh soạn với những đĩa thịt gà đầy tú hụ. Ở dưới suối vàng, không biết người cha đó nên cười hay nên mếu trước sự thành tâm của thằng con quý tử mà mình đã hết lòng dạy dỗ.
Tôi xin không nêu tên thật và quê quán của những người đó lên đây sợ mọi người lại hiểu là phân biệt vùng,miền. Chỉ biết rằng, vùng nào cũng có, không phân biệt tuổi tác, già hay trẻ, nam hay nữ. Có cô nàng làm cùng công ty với bạn tôi. Công ty làm về đóng gói các sản phẩm như; Xà phòng bột, nước rửa chén, kem đánh răng…Cô ta lấy tất cả những thứ gì có thể lấy trộm được. Nhỏ và ít giá trị nhất từ hộp kem đánh răng, cứ ko phải mất tiền mua là thấy hớn hở, thấy vui rồi.
Cho đến cái lớn như; làm đêm cô ta bê nguyên cả cái cây nước nóng lạnh mang về nhà xài. Ở công ty thì vậy, ra ngoài siêu thị nếu không ăn cắp được thì cô ta tìm cách tráo cái đắt tiền sang cái rẻ hơn rồi mang ra thanh toán. Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, một lần vào hiệu vàng,cô ta ăn trộm trang sức và đã bị camera an ninh của cửa hàng phát hiện. Lẽ dĩ nhiên là cô ta đã bị trục xuất về nước, may mà còn không phải ngồi tù.
Các cụ nhà ta có câu:”Đói ăn vụng,túng làm liều”.Chúng ta sang đây có ai đói không? Có ai túng không? Vậy thì tại sao mấy người đó vẫn đi ăn cắp.Phải chăng ăn cắp vặt đã trở thành thói quen,trở thành căn bệnh không có thuốc chữa.Hãy đặt mình ở địa vị là 1 nạn nhân thì mới cảm nhận được những bức xúc và khó chịu đến mức nào.Buổi sáng đến giờ đi làm rồi mà cái xe đạp dựng trước cửa đã không cánh mà bay. Đành đi taxi vậy, đến lúc sờ ví để trả tiền thì mới biết đã bị ông bạn có tính tắt mắt ở cùng phòng rút lõi từ khi nào…
“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người khi mới sinh ra đã có sẵn tính thiện rồi.Khi chúng ta đi học, nhà trường,cô giáo cũng không hề dạy kỹ năng ăn cắp. Việt Nam có tất cả 54 dân tộc với 54 nền văn hóa khác nhau nhưng không hề có “nền văn hóa ăn cắp”.Vậy thì tại sao? Có lẽ chúng ta đã quá tôn thờ chủ nghĩa vật chất, đề cao giá trị của đồng tiền và bằng mọi cách để đạt được nó kể cả những cách xấu xí nhất. Giá như…
Những câu chuyện đại loại như thế thì còn có rất nhiều và cũng có vô số những lí do để người ta đi ăn trộm. Có người coi đó như là 1 nghề tay trái để mà tăng thêm thu nhập. Ban ngày,họ vẫn đi làm bình thường, kết hợp trinh sát và tăm tia. Đêm đến, họ đột nhập vào các công xưởng, văn phòng lấy trộm máy tính và những thứ gì có thể bán lại được. Có người thì chỉ vì nhỡ nhàng, bất đắc dĩ mà đi ăn trộm. Đi chợ nhưng quên mất mua bó hành, quả ớt.
Đến bữa rồi mà đường ra chợ lại xa đành tặc lưỡi ra hái trộm ngoài vườn vậy. Lại có người thì vì nghịch ngợm, đua đòi, thích thể hiện bản thân. Mang cả bao tải đi hái trộm hoa quả về chỉ để chia cho cả xưởng cùng ăn. Nhưng cho dù có vì bất cứ lí do gì đi chăng nữa thì cũng là điều không nên. Khi lấy của ai thứ gì đó, mình đã đánh mất đi đạo đức, danh dự, tự bôi nhọ lên phẩm giá và nhân cách của chính bản thân mình. Đành rằng, làm cái gì đó là quyền cá nhân của mỗi người. Nhưng mà, nên nhớ chúng ta đang sống trong 1 tập thể, 1 cộng đồng, đừng làm điều gì mà ảnh hưởng đến bản thân mình cũng như cả cộng đồng.
Để xem người nước ngoài nghĩ về người Việt Nam chúng ta như thế nào,tôi xin chia sẻ ý kiến nhận xét của 1 vị giám đốc người Nhật đang làm việc ở 1 công ty liên doanh tại Việt Nam được đăng trên báo ViệtNam.Net.”Các anh (ám chỉ các công nhân Việt Nam) chỉ biết nghĩ đến lợi lộc nhỏ của cá nhân mà không quan tâm đến cái lợi lớn của tập thể”.
Và để minh họa cho điều mình nói,ông đưa ra ví dụ:”1 cái vít chúng tôi phải mang từ Nhật sang giá 40.000 Đ mà rơi xuống đất thì công nhân Việt Nam các anh thản nhiên dẫm lên hoặc đá lăn đi mất chỉ vì nó không phải của các anh. Nhưng các anh đánh rơi điếu thuốc đang hút dở giá 1000 đ thì các anh sẵn sàng nhặt lên hút tiếp cho dù nó có bị bẩn chỉ vì nó là của các anh. Hay như cuộn cáp điện chúng tôi nhập về với giá vài triệu/m, nhưng các anh cắt trộm bán được có vài trăm nghìn/m. Tất cả những việc đó mang lại chút lợi lộc nhỏ cho các anh nhưng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp vì chúng tôi phải nhập bổ sung hoặc nhập thừa so với cần thiết”.
Ông ấy còn có ý kiến về người lái xe riêng như sau: “Tôi rất cảm ơn anh lái xe an toàn cho tôi suốt 5 năm qua. Vì anh là người đảm bảo mạng sống cho tôi nên anh làm gì tôi cũng chiều nhưng anh đừng tưởng anh làm gì sai mà tôi không biết.
Anh đưa đón tôi quãng đường ra sân bay chỉ hơn 30 Km, anh khai là hơn 100 Km tôi cũng ký.Anh khai tăng việc mua xăng, thay dầu tôi cũng ký là vì tôi cần anh vui vẻ lái xe để tôi được an toàn.Và cuối cùng,ông ấy kết luận; “Các anh nên biết rằng, lẽ ra chúng tôi có thể trả lương cao hơn hoặc tăng lương nhiều hơn cho các anh. Nhưng đáng phải tăng lương cho các anh 500.000 đ,thì chúng tôi chỉ tăng 200.000 đ. Còn 300.000 đ thì chúng tôi phải giữ lại để chi trả bù đắp cho những trò vụn vặt,gian dối hay phá hoại của các anh. Cuối cùng là tự các anh hại các anh mà thôi”.
Đọc những dòng chia sẻ này, chúng ta, những người có lương tâm không thể không cảm thấy xấu hổ. Người Nhật đã dạy cho chúng ta bài học về tính hoang phí và gian dối. Đúng là chúng ta đang tự làm hại chính mình chỉ vì những lợi ích nhỏ nhen và ích kỷ.
Theo Korea News
http://bit.ly/2Frq2IQ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét