Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018

Kiệt tác khổng lồ của nhân loại: Ngôi chùa được dát 60 tấn vàng, kim cương, hồng ngọc

Chùa Shwedagon được đánh giá là một trong những kiệt tác nghệ thuật khổng lồ bậc nhất của nhân loại bởi được trang trí bằng hàng ngàn viên hồng ngọc và kim cương, được bao phủ bởi 60 tấn vàng.

Nằm trên đồi Singuttara, chùa Shwedagon hay Chùa Vàng ở Yangoon được coi là ngôi chùa linh thiêng nhất của đất nước Myanmar.

Từ chân đồi có 4 lối leo lên chùa. Mỗi lối lên có một cặp chinthe (sư tử thần) hết sức bề thế canh gác.

Chùa Shwedagon bao quanh tòa tháp trung tâm là 1.000 đơn thể chùa. Tòa tháp vàng khổng lồ này cao tới 99m chính là tâm điểm của ngôi chùa, gồm 3 phần chính: đáy tháp, thân tháp và đỉnh tháp. Quanh bảo tháp còn có 64 ngôi tháp nhỏ.

Điều đặc biệt là tòa bảo tháp này được bao bọc bằng 60 tấn vàng lá. Đó là những tấm vàng cực mỏng được các thợ thủ công chế tác bằng kỹ thuật truyền thống. Các tín đồ mua các tấm vàng dâng nhà chùa để dát vào tháp. Việc dát này bắt đầu có từ thời Hoàng hậu Shin Sawbu.

Phần đỉnh tháp được nạm 5.448 viên kim cương và 2.317 viên hồng ngọc. Trên cùng là cánh hình cờ và ở vị trí cao nhất là búp kim cương gắn một viên kim cương 76 carat (15 g).

Nội thất và các bức tượng bên trong chùa cũng được dát vàng lộng lẫy.

Các chi tiết kiến trúc của chùa được chế tác rất tinh xảo.

Theo truyền thuyết và theo ghi chép của các nhà sư, ngôi chùa có từ trước khi Phật qua đời, nghĩa là có cách đây 2.500 năm. Tuy nhiên các nhà khảo cổ học cho rằng công trình được xây lần đầu vào khoảng thời gian từ thế kỷ VI đến thế kỷ X.

Ban đầu, tòa tháp chính của chùa chỉ cao khoảng hơn 20m nhưng sau đó liên tục được xây bổ sung và đến thế kỷ XVIII đã đạt chiều cao 99m như hiện tại.

Trải qua nhiều thời khắc đen tối của lịch sử chùa Shwedagon vẫn tồn tại. Năm 1608, một toán quân Bồ Đào Nha đã cướp phá chùa. Tháng 5/1824, quân Anh xâm lược Myanma đã chiếm đóng và biến ngôi chùa thành một pháo đài, tới hai năm sau mới rút đi.

Trong chiến tranh Anh-Miến thứ hai, quân Anh lại chiếm đóng chùa và lần chiếm đóng này kéo dài tới 77 năm, đến tận năm 1929. Trong khoảng thời gian này, người dân vẫn được vào lễ chùa.

Hai trận động đất vào năm 1768 và 1970 đã khiến đỉnh tháp bị rơi gây thiệt hại lớn cho ngôi chùa khiến chính quyền phải tiến hành sửa chữa.

Những trận động đất cũng nhiều lần gây thiệt hại lớn cho chùa. Hai trận động đất vào năm 1768 và 1970 đã khiến đỉnh tháp bị rơi, khiến chính quyền phải tiến hành sửa chữa.

Đối với các tín đồ Phật giáo Myanma từ lâu chùa Shwedagon trở thành nơi hành hương. Theo quy định, khi vào chùa phải cởi giày dép. Người Myanmar thường đi vòng quanh tháp theo chiều quay của kim đồng hồ.

Trong chùa có 7 bồn nước tương ứng với 7 hành tinh và với 7 ngày trong tuần. Đó là nơi những người có sinh nhật trùng vào ngày đó tới tưới nước tắm cho tượng Phật.

Ngày nay, chùa Shwedagon đã trở thành địa điểm du khách quốc tế không thể bỏ qua mỗi khi đến thành phố Yangoon của Myanmar.

Một số hình ảnh khác về chùa Shwedagon:

Theo ĐKN

https://ift.tt/2zMuCO5

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét