Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018

Phụ nữ à, bạn chưa bao giờ là trung tâm của vũ trụ đâu!

Bạn có bao giờ ở vào tình huống thường xuyên cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng mỗi khi làm điều gì đó không? Đặc biệt, bạn mang trong mình cảm giác như cả thế giới chăm chăm nhìn từng cử chỉ hành động của bạn? Nếu câu trả lời là có thì có thể bạn đang bị ảnh hưởng của “hiệu ứng spotlight” – hiệu ứng mà người trong cuộc lo sợ mình sẽ là trung tâm của sự chú ý.

Hiệu ứng Spotlight – Chúng ta không phải là trung tâm của vũ trụ

Đây là một hiệu ứng tâm lý cực kỳ khó chịu, gây ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi của mỗi người. Hiệu ứng spotlight thường có liên quan đến sự nổi bật, khác lạ hoặc vụng về trong hành động của chúng ta. Nói một cách dễ hiểu thì khi bạn làm một điều gì đó không giống như bình thường, bản thân sẽ rơi vào cảm giác như thể cả thế giới đang dò xét mình.

spotlight-1

Nếu bạn lỡ miệng nói ra những câu thiếu tinh tế trong một tình huống hài hước, phát biểu sai một thông tin trong cuộc họp quan trọng, làm bẩn áo khi ăn uống ở nhà hàng, để một kiểu tóc khác lạ, hay bị vấp té bất ngờ, v.v… tất cả đều sẽ tạo nên cảm giác xấu hổ, ngượng ngùng và bất an. Điều này được lý giải bởi chúng ta thường có xu hướng nghĩ mình là tâm điểm của mọi thứ, cho nên những sai sót sẽ bị chú ý và đánh giá. Nhưng thực chất là lầm tưởng của chúng ta mà thôi.

spotlight-1

Vậy tại sao chúng ta lại luôn có cảm giác ấy?

Theo Thomas Gilovich và Kenneth Savitsky – các nhà nghiên cứu đầu tiên nói về hiệu ứng Spotlight thì: “Đa số mọi người thường đánh giá quá cao mức độ ảnh hưởng về hành động, lời nói và vẻ ngoài của bản thân đến người khác”. Cách tự đề cao bản thân quá mức hay lầm tưởng về sự chú ý của mọi người xung quanh dành cho mình sẽ dần hình thành tâm lý sợ sai lầm. Mỗi khi phải đối diện với những va vấp trong cuộc sống, hiệu ứng spotlight sẽ làm cho chúng ta bối rối, dẫn đến sự vụng về trong cách xử lý tình huống, cũng như hàng loạt hệ lụy không mong muốn kéo theo sau đó. Nhưng theo các nghiên cứu đã chỉ ra rằng không ai dành quá nhiều sự quan tâm cho một cá nhân nào đó và thực chất thì chúng ta chỉ là trung tâm vũ trụ của chính mình mà thôi.

Vượt qua cảm giác xấu hổ

Thông thường, khi rơi vào hoàn cảnh bị xấu hổ, phần đông chúng ta lại có xu hướng tự chất vấn bản thân quá nhiều. Thoạt nhìn, điều này sẽ ngăn cho tình huống đó lặp lại thêm lần nữa nhưng chúng ta không nên để mình bị lún quá sâu vào cảm giác tội lỗi, cũng như ngừng suy nghĩ rằng mọi người sẽ “ghim” sai lầm của bạn.

spotlight-2

Phần lớn những sai sót của bạn thực ra không lưu giữ quá lâu trong tâm trí của người khác, dẫu nó có trở thành một đề tài để bàn tán chăng nữa thì cũng sẽ nhanh chóng lãng quên theo thời gian, vì từng giây từng phút luôn có rất nhiều sự kiện xảy ra. Việc cảm thấy xấu hổ và mắc kẹt trong “mớ hỗn độn” mà mình vô tình gây nên không phải là cách để giải quyết vấn đề. Thay vào đó, bạn hãy suy nghĩ lạc quan rằng bản thân sẽ cố gắng để không phạm lỗi tương tự nữa. Đừng quên là mọi người luôn bận rộn với cuộc sống cá nhân của họ và bạn cũng thế. Luôn để bản thân thoải mái và tập trung vào những điều tốt đẹp không chỉ cho chính mình mà còn cho mọi người xung quanh.

HUYỀN MY TRƯƠNG Ảnh TH/dep.com.vn

https://ift.tt/2EafbTd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét